Năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.
Sở Xây dựng cho biết, sau 6 năm triển khai kế hoạch trên, đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.
Tuy nhiên, trong thực hiện lát đá tự nhiên hè phố, đã không ít lần dư luận ồn ào về chuyện chất lượng, khi đá vỡ, nền hè lún, vênh chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng.
Trước tình trạng trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện trong việc sử dụng vật liệu lát vỉa hè và kết cấu. Công tác thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công, quản lý chất lượng xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát vỉa hè bong bật, lún nứt, vỡ. Từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, thậm chí xem xét lại phương án lát đá hè phố bằng đá tự nhiên.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu HĐND TP Hà Nội Nguyễn Minh Đức cho rằng, chủ trương chỉnh trang vỉa hè trên các tuyến phố ở Hà Nội là đúng.
Tuy nhiên, theo ông không nhất thiết vỉa hè tuyến phố nào cũng phải lát đá tự nhiên, mà có thể sử dụng gạch truyền thống như trước đây.
“Nếu lát đá đúng chủ trương ‘bền trăm năm’ thì rất tiết kiệm, chứ không thể nói lãng phí”, ông Đức nêu ý kiến.
Theo đại biểu Đức, đá vỡ, vỉa hè xuống cấp không nên đổ hết lỗi cho kỹ thuật thi công, mà do con người.
“Nếu ngay từ đầu, cơ quan chức năng giám sát kỹ chất lượng đá và quá trình thi công thì không có chuyện đá lát vài ba năm đã xuống cấp như thời gian vừa qua”, ông Nguyễn Minh Đức nói.
Cùng vấn đề trên, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, TP Hà Nội không nhất thiết phải ‘mặc đồng phục’ vỉa hè các tuyến phố bằng đá tự nhiên. Bởi theo ông, hiện có rất nhiều loại vật liệu để chỉnh trang vỉa hè.
“Nếu lát vỉa hè bằng gạch nhưng trên nền bê tông vững chắc thì có thể bền đến hàng chục năm”, ông Ngô Doãn Đức nói.
Theo ông Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, chủ trương chỉnh trang các tuyến phố của TP Hà Nội là cần thiết. Tuy nhiên, không nhất thiết phải cải tạo hết 900 tuyến phố.
“Với những tuyến phố mới chỉnh trang, gạch còn bền đẹp thì cải tạo lại làm gì cho tốn tiền. Tiền đó thành phố nên dành cho việc xây trường học, bệnh viện thì sẽ tốt hơn”, ông Thái Duy Sâm nêu quan điểm.
Để khắc phục tình trạng đá lát vỉa hè nhanh bị xuống cấp, theo Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, trước hết chủ đầu tư dự án phải kiểm tra chất lượng vật liệu có đáp ứng yêu cầu hay không. Ngoài ra trước khi lát, đơn vị thi công phải xử lý nền vỉa hè đủ chắc.
“Nền vỉa hè xử lý không đủ độ bền chắc thì đá lát trên bề mặt dễ bị gãy, vỡ”, ông Sâm nói và cho rằng, chủ đầu tư các dự án cần kiểm tra chặt chẽ quá trình thi công theo đúng thiết kế được phê duyệt.
Theo Quang Phong (VietNamNet)