Hàng vạn thí sinh sẽ phải học dân lập, trường nghề
Trong ngày làm thủ tục dự thi (6/6), các thí sinh đã tới các điểm thi, được hướng dẫn nhận phòng thi, ngồi vào vị trí theo số báo danh. Ngoài ra, các thí sinh sẽ được nghe phổ biến quy chế thi, cũng như chỉnh sửa các thông tin còn sai sót, quy định về hiệu lệnh trống, thời gian bắt đầu từng buổi thi... Ở phần học quy chế thi, các thí sinh được giáo viên lưu ý kỹ về trách nhiệm của thí sinh, các hình thức xử lý kỷ luật nếu vi phạm quy chế. Nội dung được giáo viên đặc biệt nhấn mạnh với các thí sinh là không được mang tài liệu, vật dụng trái phép, nhất là điện thoại di động vào phòng thi.
Theo ghi nhận tại một số địa điểm làm thủ tục dự thi như: THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Trần Phú, THPT Kim Liên, Phan Đình Phùng, THPT Hoàng Văn Thụ… dù là trong giờ hành chính, nhưng nhiều phụ huynh bố trí công việc để đưa đón, động viên con em mình. Khi con vào trường làm thủ tục, bên ngoài đa số phụ huynh đều bồn chồn, lo lắng về kỳ thi vào lớp 10 của lứa “dê vàng” tăng đột biến, sức cạnh tranh cho một suất học trường công lập cũng rất gắt gao.
Chia sẻ nỗi lo lắng khi con bước vào kỳ thi, phụ huynh Nguyễn Anh Tuấn (quận Thanh Xuân) cho biết: "Suốt mấy tháng nay, gia đình tôi lúc nào cũng lo lắng, sốt ruột khi con dự thi vào lớp 10. Những căng thẳng này còn hơn nhiều lần so với đứa cả nhà tôi dự thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học mấy năm về trước. Vào đại học bây giờ có nhiều lựa chọn, nhưng thi vào lớp 10 THPT công lập thì chủ yếu là có 2 nguyện vọng vào 2 trường công lập, nếu trượt trường này cũng khó để chen chân vào trường khác. Năm nay, chỉ tiêu vào trường công có hạn, nên nếu thi không tốt là sẽ phải học trường dân lập, thậm chí chấp nhận học hệ Bổ túc vì trường dân lập cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu”.
Hẳn là mối lo của các bậc phụ huynh là có cơ sở, bởi theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018-2019, Hà Nội có tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT là 85.800 em. Trong khi đó, có 94.964 lượt học sinh đăng kí nguyện vọng 1 và 89.602 lượt học sinh đăng kí nguyện vọng 2. Nhưng chỉ khoảng 62% thí sinh trên tổng số gần 95.000 thí sinh tham dự được học trường công lập. Dù đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập lên con số học sinh tốt nghiệp lớp 9 THCS tăng khoảng 22.000 em (do sinh năm đẹp “dê vàng” - 2003) so với năm trước cũng là sức ép lớn đối với thí sinh, phụ huynh. Một số trường THPT công lập như có tỷ lệ “chọi” không khác gì các trường đại học tổ chức thi như trước đây.
Siết chặt kỷ luật phòng thi
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, kỳ thi năm nay, toàn thành phố có 185 điểm thi, số phòng thi năm nay là 3.976 phòng, tăng so với năm ngoái (3.500 phòng). Mỗi phòng thi phải đảm bảo đủ chỗ ngồi cho thí sinh, cửa ra vào, cửa sổ đảm bảo an toàn, không để đề thi lọt ra ngoài. Các điểm thi phải chuẩn bị cơ sở vật chất một cách tốt nhất. Trưởng điểm thi phải ngủ đêm ở điểm thi để trông đề thi, trừ trường hợp đặc biệt phải có báo cáo và giao cho Phó điểm trưởng phụ trách.
Sở GD&ĐT đặc biệt lưu ý tới các thí sinh, đi trễ quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi, dù bất cứ lý do gì. Những thí sinh phạm lỗi một lần, nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác sẽ bị khiển trách. Hình thức cảnh cáo được áp dụng với thí sinh tiếp tục vi phạm quy chế sau khi bị khiển trách; trao đổi bài hoặc giấy nháp với thí sinh khác, chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình. Bài thi sẽ bị chấm điểm 0 nếu được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có chữ viết của 2 người trở lên, có 2 bài làm trở lên đối với 1 bài thi.
Đáng chú ý, năm nay các cán bộ coi thi sẽ đặc biệt chú trọng đến nghiêm cấm thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi. Ông Phạm Quang Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Năm nay, các điểm thi đã chuẩn bị cơ sở vật chất một cách tốt nhất. Các giám thị tuyệt đối không cho phép thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi. Việc làm này để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như kỳ thi năm ngoái, một thí sinh mang điện thoại có chức năng nghe - nói vào phòng thi, đến khi nộp bài, chưa ra khỏi phòng thì có chuông kêu và bị đình chỉ thi”.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 sẽ diễn ra ngày 7/6, buổi sáng thi Ngữ văn, buổi chiều thi Toán và đều bằng hình thức tự luận, thời gian 120 phút. Từ ngày 8, 9/6 các thí sinh đăng ký dự thi vào các trường chuyên sẽ thi các môn chuyên. Ngày 10/6, thi các môn hệ đào tạo theo chương trình song bằng.
Chiều 6/6, Sở GD& ĐT Hà Nội cho biết, trong ngày làm thủ tục dự thi, Hà Nội có 94.347 thí sinh làm thủ tục dự thi, đạt 99,84%. Có 27 thí sinh quên Phiếu báo dự thi đã được Điểm thi liên hệ với Phòng GD&ĐT để học sinh bổ sung trong chiều cùng ngày. Tất cả các điểm thi đều đủ điều kiện tổ chức thi.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 tại Hà Nội tiếp tục được đánh giá là căng thẳng giống như các năm trước. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT là 85.800 em. Trong khi đó, có 94.964 lượt học sinh đăng kí nguyện vọng 1 và 89.602 lượt học sinh đăng kí nguyện vọng 2. Nhưng chỉ khoảng 62% thí sinh trên tổng số gần 95.000 thí sinh tham dự được học trường công lập. Số còn lại sẽ phải học các trường ngoài công lập, hệ bổ túc, trường nghề… Số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 THCS tăng khoảng 22.000 em so với năm trước.
Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)