Theo ghi nhận của chúng tôi, đúng 0h00 ngày 29/9, hai con ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chính thức được dỡ phong tỏa.
Do đa số người dân tại đây phải đi cách ly nên chỉ có một số người ra ghi lại khoảnh khắc hai con ngõ được dỡ phong tỏa.
Là người nhiễm Covid-19 trong đợt đầu tiên của ngõ 328, ông Trịnh Thái Hùng (59 tuổi), có mặt tại ngõ từ 23h30 ngày 28/9.
Sau thời gian chữa bệnh và cách ly, ông Hùng không khỏi xúc động. Giây phút ngõ nhà mình được dỡ phong tỏa, ông chạy lên ăn mừng, vui sướng vẫy tay chào cảm ơn những người làm nhiệm vụ.
"Tôi là một trong những người đi cách ly đầu tiên ở khu vực này. Hôm nay, tôi cố gắng về đây sớm nhất để vào nhà mình, vui mừng lắm!", ông Hùng phấn khích.
Ông Hùng chia sẻ trong thời gian điều trị bệnh, ông rất lo sợ vì xem tivi thấy thông tin về độ nguy hiểm của dịch bệnh. Tuy nhiên với quyết tâm chữa bệnh và sự chăm sóc tận tâm của lực lượng y tế, ông đã hồi phục.
"Tôi bị nhiễm Covid-19 từ ngày 25/8, đến ngày 9/9 thì khỏi bệnh. Sau khi ra viện, tôi được cách ly 14 ngày tại nhà khách Sơn La. Được về nhà rồi, công việc đầu tiên của tôi là dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ", ông Hùng nói.
Giống như ông Hùng, lực lượng tuyến đầu chống dịch tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung cũng vui mừng, phấn khởi sau hơn 1 tháng cùng người dân nơi đây chống lại bệnh dịch. Trong giây phút chia tay đồng nghiệp để chuẩn bị trở về đoàn tụ với gia đình, một số nhân viên y tế không giấu được xúc động.
Chị Trần Thị Hồng (36 tuổi, điều dưỡng viên đang làm việc tại trạm y tế Thanh Xuân Trung) cho biết, chị rất vui mừng vì người dân tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi đã được trở về nhà.
"Kể từ ngày 22/8 xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, lực lượng y tế, công an phường, UBND phường Thanh Xuân Trung túc trực 24/24 ở ngõ 328-330 Nguyễn Trãi. Hơn 1 tháng nay, tôi chưa được bước chân ra khỏi ngõ 328-330 Nguyễn Trãi, tôi rất nhớ gia đình", chị Hồng nói.
Theo chị Hồng, sau khi về nhà, chị và đồng nghiệp sẽ tự cách ly thêm 7 ngày nữa để đảm bảo thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch.
"Suốt thời gian qua, chúng tôi luôn cố gắng để người dân sớm trở về nhà", chị Hồng nói thêm.
Em Phùng Công Nguyên (SN 2000, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Dược Hà Nội) chia sẻ, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 tại ngõ 328-330 Nguyễn Trãi, nam sinh này đã tình ngyện vào đây giúp đỡ người dân phòng, chống dịch. Công việc hàng ngày của Nguyên là hỗ trợ người dân test Covid-19, tiêm phòng, nhận lương thực, thực phẩm giúp người dân.
"Khi mới vào tâm dịch là vùng đỏ, em cũng cảm thấy lo lắng vì có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng sau 1 thời gian vào sinh hoạt tập thể và giữ gìn bản thân thì em vẫn giữ được sức khoẻ để phụ vụ mọi người", Nguyên nói.
"Sau khi dỡ phong toả, em sẽ tiếp tục ở đây để giúp đỡ người già và trẻ nhỏ về với gia đình. Khi người dân về sinh sống ổn định, em sẽ tiếp tục ở lại hỗ trợ mọi người thêm 10 ngày sau đó sẽ đi cách ly rồi về nhà", Nguyên nói thêm.
Nam sinh 21 tuổi cũng cho biết thêm, bản thân mình đã 5 tháng rồi chưa được về nhà, mọi người ở nhà cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi bản thân giải thích, động viên thì bố cũng yên tâm hơn và thường xuyên gọi điện hỏi thăm. "Hiện tại em cảm thấy rất nhớ nhà và thèm 1 bữa cơm gia đình...", Nguyên tâm sự.
Theo Đinh Huy (Pháp Luật & Bạn Đọc)