UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 2526/UBND-TKBT, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021.
UBND thành phố yêu cầu từng cấp, ngành, đơn vị rút kinh nghiệm, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch vừa qua, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Khi tình hình dịch ổn định, không phát sinh thêm ca nhiễm mới cần canh gác thật chặt, bảo vệ vững chắc Thủ đô, giữ vững thành quả chống dịch, hạn chế tối đa sơ hở để dịch bệnh xâm nhập thành phố. Các trường hợp về Hà Nội từ vùng có dịch phải được rà soát, quản lý theo từng địa bàn, đồng thời, theo dõi chặt chẽ, hướng dẫn khai báo, cách ly y tế theo đúng quy định.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã có phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Xử lý khẩn trương, quyết liệt khi có ca nhiễm mới; rà soát kỹ F0, cách ly triệt để các F1, F2 và người liên quan với mục tiêu dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới. Khoanh vùng, điều tra, xử lý triệt để ổ dịch tại ngõ 651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và các ổ dịch khác trong thời gian sớm nhất, không để dịch lan rộng trên địa bàn.
Đồng thời kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở... và nghi nhiễm SARS-CoV-2 khác ngoài cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Khẩn trương rà soát, bổ sung năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế đạt tiêu chuẩn.
Sở Y tế tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 theo các tầng điều trị, đặc biệt đối với các bệnh nhân diễn biến nặng. Tập trung triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với phương châm "vaccine về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó".
UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Sở chỉ huy phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố đảm bảo phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương.
Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ không để người dân di chuyển khỏi thành phố tới khi hết giãn cách xã hội (trừ những trường hợp được chính quyền cho phép). Bảo vệ vững chắc địa bàn, rà soát chặt chẽ tình hình dịch tại từng phường, xã, đẩy mạnh xác lập các vùng không có dịch - "vùng xanh" để tập trung quản lý, không để dịch bệnh xâm nhập.
Công an thành phố tiếp tục triển khai ra quân kiểm soát việc chấp hành giãn cách xã hội; duy trì các chốt kiểm soát 100% phương tiện ra - vào thành phố tại các cửa ngõ lớn, đường nhánh, đường mòn, lối mở, bến đò ngang, bến thủy nội địa.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an thành phố kiểm soát tại các chốt dịch 24/24; tổ chức tốt hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, không đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội. Tổ chức giao thông "luồng xanh" cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá có nhu cầu đi qua và ra vào thành phố.
Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, mất ổn định thị trường.
Trưa 5/8, Hà Nội ghi nhận thêm 26 ca dương tính SARS-CoV-2, thuộc 5 chùm ca bệnh, trong đó 19 người ngoài cộng đồng và 7 người trong khu cách ly. Như vậy, trong sáng nay, thành phố có tổng 47 ca mắc.
Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4, Hà Nội có tổng 1.514 ca, trong đó 912 người ngoài cộng đồng và 602 người trong khu cách ly tập trung. Tính riêng từ ngày 5/7 đến trưa 5/8 có 1.245 trường hợp. Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, quyết tâm "chặn đứng" Covid-19.
Theo Minh Nhân (Nhịp Sống Việt)