Hà Nội dự kiến cấm xe: Lời gan ruột của những người 'chạy ăn' từng bữa!

07/11/2024 09:26:09

Xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là chiếc "cần câu" mưu sinh của biết bao người dân, là trụ cột duy trì cuộc sống của nhiều gia đình ở Hà Nội hiện nay.

Khi triển khai đề án hạn chế phương tiện, chính quyền thành phố yêu cầu thống kê những người lao động đang mưu sinh bằng xe máy, xích lô... trong phạm vi bị ảnh hưởng và có đề xuất với thành phố giải pháp chuyển đổi.

Bối rối vì... nghèo

Gắn bó hơn 20 năm tại khu chợ Đồng Xuân, ông Trần Văn Giang (55 tuổi, quê Nam Định) vốn quen thuộc với từng ngóc ngách của Hà Nội. Bằng chiếc xe wave bạc màu sơn này, cứ đúng 6h sáng ông lại từ khu nhà trọ tại Gia Lâm để vào nội thành nhận hàng từ các tiểu thương trong chợ đi giao ở các bến xe và chợ đầu mối lớn.

Hà Nội dự kiến cấm xe: Lời gan ruột của những người 'chạy ăn' từng bữa!

Hà Nội dự kiến cấm xe: Lời gan ruột của những người 'chạy ăn' từng bữa! - 1
Cuộc sống mưu sinh của nhiều người lao động giao hàng bằng xe máy tại chợ Đồng Xuân.

Lớn tuổi nên ít công việc để lựa chọn, chiếc xe máy cũ là chiếc "cần câu cơm duy nhất" mang tới thu nhập chính nuôi cả gia đình 5 miệng ăn.

Trong cái nắng thu lúc 12h trưa, ông Giang vừa khệ nệ bê thùng hàng khách đặt vừa toát mồ hôi hột, giọng thều thào kể: “Ngày nhiều thì 6 - 7 chuyến, trừ tiền xăng còn dư ra được khoảng 300.000 đồng, ngày ít thì cố mãi cả ngày công cũng chưa đủ trăm nghìn. Bất đắc dĩ tôi mới phải tha phương cầu thực kiếm sống, bởi hai vợ chồng cùng ở quê làm nông thì kiếm được bao nhiêu. Có mỗi chiếc xe để chạy vạy chứ giờ không làm nghề này cũng chỉ biết về quê chứ không thể trụ lại ở Hà Nội. Già rồi có nghề gì để chuyển được nữa".

Chiếc xe máy mua cũ ở quê theo ông Giang tính hàng chục năm. Hằng ngày đi lại tới hàng trăm cây số cũng thường xuyên hỏng hóc. Không có nhiều tiền, chiếc xe bị vỡ đôi yếm lái nên ông đành phải vá tạm bằng băng dính và túi bóng. “Động cơ lâu cũng chưa sửa nhưng đi tốt là được, phần ngoài hỏng cũng không ảnh hưởng quá", ông Giang cho biết.

Dùng xe máy để nuôi sống cả gia đình, khi thấy mọi người trong khu chợ đồn nhau về việc có thể dừng cho xe máy hoạt động trong khu vực quận Hoàn Kiếm mà ông đang trực tiếp làm việc, ông Giang vừa mừng vừa lo. Bảo vệ môi trường là rất tốt nhưng nếu chiếc xe của ông không được chạy tại khu chợ này thì ông không biết làm gì để tiếp tục nuôi sống gia đình mình.

Cùng hoàn cảnh, chị Hoàng Thị Mai (46 tuổi, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đều dùng chiếc xe máy cũ của mình để đi bán hoa quả trong nội thành. Hằng ngày, chị Mai cứ sáng đi chợ lấy hàng ở gần nhà rồi vào nội đô bán hàng, tối muộn lại về. Vì không có điểm bán cố định, chị gia cố thêm hai rọ sắt để đựng hàng, đi bán hầu khắp các quận trung tâm của Hà Nội.

Chiếc xe theo nắng gió đường dài, sau chục năm cùng chị Mai bám nghề nay cũng cũ kỹ và hỏng hóc nhiều. Thường xuyên chở đồ nặng nên chiếc xe ngốn khá nhiều tiền sửa chữa. Chồng đi làm xa, chị là phụ nữ không hiểu biết nhiều về xe nên cũng không thường xuyên bảo dưỡng để xe chạy tốt hơn. Không có tiền để mua xe mới nên chị Mai không còn lựa chọn nào...

Hà Nội dự kiến cấm xe: Lời gan ruột của những người 'chạy ăn' từng bữa! - 2
Xe máy là phương tiện mưu sinh chính nuôi sống chị Mai và gia đình.

Theo chị Mai, đi xe cũ rất bất tiện. Tuy nhiên, “chạy" chợ bữa nào đủ ăn bữa đó, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến chị không dám ước mơ có thể đổi phương tiện di chuyển.

“Mình đi chợ búa, khu vực nào cấm thì không đến nữa chứ biết làm sao. Tôi cũng biết thông tin về việc thí điểm hạn chế xe cũ nhưng mưu sinh nên phải chấp nhận. Chúng tôi ở quê ra chỉ muốn buôn bán qua ngày, sai đâu thì mình sửa đấy. Nếu được hỗ trợ để đổi xe hoặc có cơ hội việc làm tốt hơn thì mới may sống được”, chị Mai trăn trở và lo lắng về việc kiếm sống.

Mưu sinh trong nỗi lo

Rời Thái Bình lên Hà Nội mưu sinh, ông Nguyễn Văn Nam (62 tuổi) và vợ mỗi người một xe chở hàng, vợ chồng ông Nam đi bán kính mắt dạo dọc các tuyến đường lớn.

Trọ ở Nam Từ Liêm, cứ hằng sáng hai vợ chồng ông chọn trục đường rồi cùng bán đến tối mịt rồi về. Ông Nam cho biết, hai vợ chồng ông mua chiếc xe cũ để chạy vì không đủ kinh tế mơ tới xe mới. Từ những năm 2000, nắng gắt hay mưa rào, người và xe cứ gắn bó để kiếm sống. Từng có thời gian khó khăn quá ông đã bỏ về quê để làm việc, nhưng về quê đi phụ hồ, bê vác nặng khiến sức khỏe ông bị giảm sút nghiêm trọng. Thêm việc chủ thầu cũng không dám thuê vì lớn tuổi, ông lại phải quay lại nghề đi bán kính mắt.

Những vết sơn trên xe theo thời gian đã sớm loang lổ, cũ kỹ dù rất giữ gìn. Ông Nam cho biết, bình thường hỏng đâu thì sửa đấy chứ xe cũ cũng không muốn tốn tiền bảo dưỡng. Dịp nào về quê thì tiện mang đi sửa cho rẻ, có những lúc gần cạn dầu máy rồi mới có dịp để thay mới.

Hà Nội dự kiến cấm xe: Lời gan ruột của những người 'chạy ăn' từng bữa! - 3
Xe máy vừa là phương tiện đi lại vừa là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân sống tại Hà Nội.

Tuy nhà có ba người con đã trưởng thành nhưng vợ chồng ông Nam vẫn nặng gánh kinh tế. “Nếu cấm xe máy thì tôi đành về quê chứ tuổi già sức khoẻ không có, tiền bạc cũng không, không thể trụ lại ở đây. Người dân như chúng tôi sẵn sàng chấp hành quy định, nhưng nếu không hỗ trợ chuyển đổi thì dân lao động nghèo càng khó khăn", ông lo lắng.

Làm thợ hàn ở Hà Nội từ lâu nhưng phải tới năm 2018 anh Trần Quốc Đạt (43 tuổi, Sơn La) mới tích cóp đủ kinh tế để mở một xưởng cơ khí nhỏ đứng tên mình tại Nhân Hoà, Thanh Xuân. Hai vợ chồng cùng con nhỏ dắt díu xuống Hà Nội để làm ăn, hai chiếc xe chở hàng là phương tiện"bất ly thân" của anh khi làm nghề.

Anh Đạt cho biết, hai chiếc xe cũ này được anh mang từ Sơn La xuống từ những ngày học việc. Hằng ngày, chiếc xe theo anh đi làm việc và “gánh" cả trăm cân sắt, thép, tôn. Hiện giờ cả hai chiếc xe đều không còn nguyên hình dạng mà chỉ dừng ở mức đi được. Không đèn, không yếm, thiếu yên sau, chế thêm thanh móc... chiếc xe là “chiến mã” giúp anh và gia đình mưu sinh kiếm sống.

“Xe này lâu lắm rồi tôi cũng không đi bảo dưỡng vì chỉ di chuyển gần quanh cửa hàng thôi. Giờ bán đồng nát cũng không được bao nhiêu mà tiện cho công việc của mình nên tôi vẫn đi. Khi đi tiếng bị to mà khói đen làm ảnh hưởng tới người đi xung quanh nhưng tôi nghĩ chở hàng gần nên không sao. Quen xe nên dễ làm việc, giờ đổi xe mới để chạy cũng không phù hợp mà tốn kém quá", vừa hàn mối tôn anh Đạt vừa kể.

Làm shipper khu vực bến xe Mỹ Đình từ khi là sinh viên năm nhất đại học, anh Hà Vũ Đức (24 tuổi, quê Yên Bái) thường dành tới 12 tiếng (từ 7h-21h) để chở khách, ship hàng và giao đồ ăn. Những ngày còn làm sinh viên, anh Đức chỉ mong muốn dùng chiếc xe cũ này để đủ kiếm thêm thu nhập trang trải học phí. Tuy nhiên, sau khi ra trường, anh cũng không nghĩ được sẽ gắn bó công việc này tới tận 6 năm.

Trong những ngày thất nghiệp sau khi học xong trường nghề, chiếc xe này là phương tiện chính để anh trụ lại được ở Hà Nội. So với mức lương đi làm công nhân hay sửa xe thì làm shipper giúp anh có nguồn thu nhập tốt hơn, được thoải mái thời gian. Bố lớn tuổi, mẹ đang bị bệnh, em trai cũng đang xuống Hà Nội học tập nên anh Đức khá lo lắng khi nghe tới thông tin sẽ hạn chế phương tiện xe máy.

“Việc hạn chế đó cũng là việc sớm muộn nên làm để thay đổi Thủ đô, nhưng với những người dân sống bằng các phương tiện cá nhân như tôi thì còn nhiều trăn trở. Tôi cũng như đa số người dân rất ủng hộ việc này, nhưng cần hỗ trợ và điều chỉnh cho phù hợp để những người chạy xe như tôi vẫn duy trì được cuộc sống bình thường" - anh Đức chia sẻ.

Làm sao xe sạch - trời xanh?

Liên quan đến vấn đề hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến của người dân nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ), sau khi Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, việc hạn chế xe máy còn gặp nhiều bài toán phải giải quyết về đi lại, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và cả kế mưu sinh của người dân.

Có thể thấy, hạn chế xe máy sẽ khó khả thi, hàng triệu người sử dụng xe máy không chỉ để đi lại mà còn để mưu sinh. Cấm xe máy, hy sinh thói quen tiện dụng hằng ngày, có thể đụng chạm đến miếng cơm manh áo của nhiều người, của các ngành dịch vụ. Để chủ trương đạt được hiệu quả và tiến xa hơn cần có những giải pháp, hỗ trợ hợp lý để tái thiết cuộc sống cho người dân.

Hà Nội dự kiến cấm xe: Lời gan ruột của những người 'chạy ăn' từng bữa! - 4
Hơn 80% số lượng xe cá nhân Hà Nội hiện có là xe máy.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội (TN&MT, cơ quan xây dựng dự thảo đề án phân vùng phát thải an toàn để hạn chế phương tiện giao thông) cho biết, về chủ trương thành phố chỉ hạn chế chứ không cấm hoàn toàn xe đi vào các khu vực được xác định là vùng an toàn về môi trường. Với những quận, huyện triển khai đề án thì chỉ thực hiện ở một số khu vực, không phải tất cả địa bàn quận, huyện đều hạn chế phương tiện giao thông.

Với các giải pháp hỗ trợ người dân, chủ yếu là người đang có xe máy cũ, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đề án phân vùng phát thải không có nội dung hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng ở khu vực hạn chế xe đi vào. Tuy nhiên, trong chỉ đạo thực hiện việc đề án này và Nghị quyết số 04 về việc hạn chế, tiến tới dừng xe máy trên địa bàn các quận nội đô từ năm 2030, UBND thành phố yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lên danh sách thống kê những người lao động đang mưu sinh bằng xe máy, xích lô... trong phạm vi bị ảnh hưởng và có đề xuất với thành phố giải pháp, trong đó có tính đến tạo công việc hoặc hỗ trợ người dân đến khu vực khác tiếp tục lao động, kinh doanh, buôn bán.

UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Dự kiến Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm từ đầu năm 2025. Đến năm 2030, Hà Nội dự kiến sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận theo nghị quyết số 04 của HĐND thành phố từ năm 2017.

Theo Phùng Linh (Tiền Phong)

Nổi bật