Sáng 26/4, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khai mạc hội nghị lần thứ 12 để xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trong đó các đại biểu sẽ góp ý về việc đầu tư xây dựng sân bay thứ hai tại thủ đô, các TP trực thuộc thủ đô.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã trình bày tờ trình về việc báo cáo định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065).
Theo định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, thành phố đã cập nhật một số phương án nghiên cứu đề xuất vị trí sân bay thứ 2 theo nghiên cứu của Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải.
Ngoài phương án 1 là các huyện Thanh Oai và Thường Tín, quy mô diện tích 1.300ha; Hà Nội bổ sung thêm phương án 2 tại huyện Ứng Hòa (có diện tích khoảng 1.700ha, liên quan 7 xã, dân số bị ảnh hưởng 10.000 người).
Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn; được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.
Theo đó, đô thị trung tâm Hà Nội được phân cách với thành phố phía Tây, các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh.
Về quy mô dân số, theo dự báo phát triển sơ bộ dự báo đến năm 2030 khoảng 11,410 - 11,950 triệu người; Dự báo đến năm 2040 khoảng 13,030 - 13,760 triệu người; Bổ sung dự báo đến năm 2045 khoảng 13,740 - 14,600 triệu người; Dự báo đến năm 2050 khoảng 14,600 - 15,560 triệu người. Những năm tiếp theo và tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được tiếp tục nghiên cứu cập nhật, đánh giá, đảm bảo các yếu tố dự báo phù hợp tình hình thực tiễn, các quy định, chính sách về dân cư của Trung ương và địa phương và xu hướng phát triển.
Đối với quy mô đất đai, định hướng nghiên cứu điều chỉnh đến năm 2030 tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 144.000 - 145.000 ha trong đó rất xây dựng đô thị khoảng 110.000 - 115.000 ha (chiếm khoảng 32 - 34% diện tích đất tự nhiên);
Bổ sung định hướng nghiên cứu điều chỉnh đến năm 2045 tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 160.000 - 169.000 ha; trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 130.000 ; 135.000 ha (chiếm khoảng 39 - 40% diện tích đất tự nhiên). Cơ cấu phân vùng kiểm soát phát triển toàn Thành phố dư kiến tỷ lệ đất xây dựng đô thị - hành lang xanh, nông thôn là 40% - 60%.
Đến năm 2050, quy mô diện tích, tỷ lệ sử dụng đất cơ bản ổn định hiệu quả. Những năm tiếp theo và tầm nhìn đến năm 2065, sẽ được nghiên cứu rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện, hoặc tái cấu trúc đảm bảo các yếu tố phù hợp tình hình thực tiễn, các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương và xu hướng phát triển; đảm bảo phù hợp với quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.