Hạn chế ùn tắc, ô nhiễm nội đô
Theo lộ trình triển khai Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua vào năm 2017, trong giai đoạn 2017 đến 2020 UBND thành phố phải triển khai các giải pháp hành chính và kinh tế để từng bước hạn chế phương tiện trong khu vực nội đô (từ đường Vành đai 3 trở vào).
UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để thực hiện các giải pháp trên. Văn bản số 3977 do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký, gửi Thủ tướng Chính phủ tập trung đề xuất 3 nội dung chính, gồm: Lập đề án Thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội đô; Quy định mức phụ thu phí ô nhiễm môi trường theo khí thải thông qua đăng kiểm phương tiện; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thiện quy định quản lý xe đạp điện, ô tô điện.
Với đề xuất lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội đô, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, đây là biện pháp kinh tế nhằm tăng cường quản lý phương tiện, thông qua việc nộp phí lưu hành để giảm lưu lượng phương tiện tại một số khu vực. Biện pháp này cũng đang được các thành phố lớn như London (Anh), Singapore… áp dụng và khá hiệu quả khi hạn chế được lượng lớn xe ô tô đi vào nội đô hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, tại danh mục phí, lệ phí của Luật phí và lệ phí hiện hành không có khoản phí phương tiện cơ giới vào nội đô trên địa bàn thành phố vì vậy để triển khai được nhiệm vụ trên, thành phố đề xuất Chính phủ bổ sung khoản phí này vào danh mục của Luật phí và lệ phí.
Tại nội dung đề xuất phụ thu phí ô nhiễm môi trường, khí thải thông qua đăng kiểm phương tiện, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, đến năm 2020 Thủ đô sẽ có hơn 843 nghìn ô tô, hơn 6 triệu xe mô tô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ô tô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu (hiện nay là 5 triệu xe máy, 500 nghìn ô tô). Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì ùn tắc, ô nhiễm trong thời gian tới sẽ rất nghiêm trọng. Do vậy cùng với thu phí phương tiện vào nội đô, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ xem xét, giao các bộ ngành có liên quan xây dựng quy định để thực hiện việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm. Riêng nội dung xe điện, ô tô điện, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thiện quy định quản lý xe đạp điện như xe máy, ô tô điện, tức phải gắn thiết bị giám sát hành trình như xe kinh doanh vận tải.
Đề xuất thu phí từ vành đai 3 trở vào
Chiều 7/9 đại diện Sở GTVT Hà Nội - cơ quan tham mưu để UBND thành phố ký văn bản đề xuất Chính phủ vừa qua cho biết, trước khi thực hiện việc thu phí vào nội đô, Sở GTVT Hà Nội sẽ cùng với liên ngành thành phố khảo sát, phân ra từng khu vực, từng tuyến phố cần hạn chế xe đi vào để giảm ùn tắc. Khu vực đầu tiên được xác định để phân vùng phương tiện hoạt động sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào. “Thành phố sẽ có biện pháp thu phí hiện đại, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông trên đường”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Đề cập cụ thể hơn hình thức thu này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, thành phố sẽ thu phí tự động. Để triển khai, phương tiện đặc biệt là ô tô phải mở tài khoản ngân hàng và trang bị thiết bị thu phí tự động để các trạm thu phí tự nhận biết, trừ tiền; cơ quản lý kiểm soát, điều tiết khi đi vào các khu vực bị hạn chế.
Với thu phí môi trường, Hà Nội đề xuất khi ô tô đến các trạm đăng kiểm theo định kỳ sẽ đóng khoản phí này như phí sử dụng đường bộ hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua sớm, dự kiến Sở GTVT sẽ triển khai các công tác chuẩn bị nhiệm vụ này từ năm 2019.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Hiệp hội vận tải và một số chuyên gia về giao thông cho rằng, để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường việc thu phí vào nội đô, thậm chí cả phí đỗ xe theo giờ cần được triển khai. Đây là việc nhiều thành phố phát triển trên thế giới đã thực hiện và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để hài hòa và đảm bảo quyền đi lại của người dân, khi tình trạng ùn tắc tại Hà Nội hiện nay chỉ diễn ra vào các giờ cao điểm, việc thu phí này cũng chỉ nên diễn ra vào giờ cao điểm. Vào các khung giờ thấp điểm, thậm chí ban đêm, sáng sớm cần có chính sách phù hợp để đảm bảo cho người dân đi lại. “Ở Singapore, chủ phương tiện chỉ mất phí cao khi vào nội đô vào giờ cao điểm. Nếu người dân đi làm trước giờ cao điểm, buổi sáng trước 6h, buổi tối sau 19h thì phí vào nội đô rất thấp hoặc không thu. Ở Hà Nội, vào các khung giờ này, phương tiện trên đường cũng rất ít. Hà Nội cần tham khảo mô hình này”. ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất.
Cũng theo ông Bùi Danh Liên, với phí môi trường, hiện nay phí này đã thu qua xăng dầu, với xăng người dân đang phải trả ít nhất 3.000 đồng/lít phí môi trường, nay Hà Nội tiếp tục thu sẽ không phù hợp, thực chất là phí chồng phí. Hơn nữa, không xác định được xe nào thường xuyên vào nội thành, xe nào là xe chỉ hoạt động ở ngoại thành để thu phí môi trường. Chủ xe ở huyện Ba Vì thì không thể đóng phí môi trường như chủ xe ở quận Hoàn Kiếm được...
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)