Cụ thể, theo dự thảo, mức học phí với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non; trường THCS, THPT; giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT trên địa bàn thành thị dự kiến là 155.000 đồng/tháng/học sinh; mức thu với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục địa bàn nông thôn dự kiến là 75.000 đồng/tháng/học sinh; mức thu với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục tại các xã miền núi dự kiến là 19.000 đồng/tháng/học sinh.
Như vậy, so với năm học 2017-2018, mức học phí tại cơ sở giáo dục thuộc các địa bàn thành thị, nông thôn và miền núi tăng lần lượt là 45.000 đồng/tháng/học sinh - 20.000 đồng/tháng/học sinh - 5.000 đồng/tháng/học sinh.
Số tiền thu tăng thêm (chênh lệch giữa mức thu học phí năm học 2018-2019 với mức thu học phí năm học 2017-2018) sẽ được sử dụng một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại để chi cho sự nghiệp giáo dục hàng năm.
Theo dự thảo, mức thu học phí các năm tiếp theo được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định. Đến năm học 2020-2021, mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.
Dự thảo cũng quy định mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với trường trung cấp Kỹ thuật Bắc Thăng Long là 900.000 đồng/tháng/sinh viên; trường trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội có hai mức: 750.000 đồng và 800.000 đồng/tháng/sinh viên, tùy theo khoa. Mức thu này giữ nguyên so với năm học 2017-2018.
Theo Công Luân (Nguoiduatin.vn)