Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông gấp 2 lần: Phạt chồng phạt?

10/02/2025 06:27:48

GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, Hà Nội cần thời gian để nâng mức phạt vi phạm giao thông, nếu áp dụng ngay thì sẽ phạt chồng phạt, tương tự như tình trạng thuế chồng thuế.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, Hà Nội đưa ra 107 hành vi vi phạm cần nâng mức phạt từ 1,5 - 2 lần.

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Từ Sỹ Sùa, chuyên gia giao thông, giảng viên Cao cấp trường Đại học GTVT cho biết, Hà Nội có quy định riêng là điều bình thường nhưng trong bối cảnh nghị định 168 vừa có hiệu lực thi hành thì Hà Nội chưa nên tiếp tục tăng mức xử phạt từ 1,5- 2 lần với hơn 100 hành vi vi phạm. 

“Hà Nội có thể muốn đi đầu, tiên phong trong việc nâng mức xử phạt nhưng theo tôi nên cần thời gian. Nghị định 168 vừa ra đời, Hà Nội lại tiếp tục đề xuất tăng là không khả thi. Hiện các mức xử phạt tại nghị định 168 được đánh giá đủ nặng, mang tính răn đe cao thì nên để nghị định đi vào cuộc sống. 

Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông gấp 2 lần: Phạt chồng phạt?
Hà Nội nên cân nhắc thời điểm nâng mức xử phạt vi phạm giao thông gấp từ 1, 5- 2 lần. Ảnh: Đình Hiếu 

“Sức sống” của một nghị định ít nhất trong vòng 3 năm. Sau 2- 3 năm, chúng ta tổng kết, xem xét trên địa bàn Hà Nội có những vấn đề gì mà nghị định 168 chưa đáp ứng được, cần phải tăng lên, khi đó nâng mức phạt cũng chưa muộn. 

Do đó, nếu Hà Nội áp dụng ngay thì nghị định chồng nghị quyết (phạt chồng phạt) tương tự như tình trạng thuế chồng thuế”, GS. TS Từ Sỹ Sùa dẫn giải.

Bên cạnh đó, ông cho rằng nếu đề xuất được thông qua và áp dụng ngay trong tháng 7 tới đây có thể sẽ gây khó khăn cho những người ngoại tỉnh.

 “Với người sinh sống ở Hà Nội có thể đã quen với điều này nhưng với những người ngoại tỉnh có việc phải đi ô tô vào Hà Nội thì họ sẽ không biết áp dụng theo nghị định 168 hay nghị quyết mà Hà Nội đề ra?. Theo tôi Hà Nội chưa cần thiết nâng mức phạt và càng không nên cùng lúc tạo nhiều áp lực cho người dân”, GS. TS Từ Sỹ Sùa nói. 

Hà Nội nên cân nhắc khi quyết định tăng mức phạt 

Chung quan điểm này, TS. luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, TP Hà Nội cần cân nhắc khi quyết định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở Hà Nội.

Theo luật sư, mục đích tăng mức xử phạt là tăng cường công tác quản lý chứ không phải nhằm tăng nguồn thu ngân sách. Số tiền thu được từ xử lý vi phạm hành chính thường sẽ được tái sử dụng để phục vụ cho lĩnh vực đó. 

Ví dụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì tiền xử phạt vi phạm hành chính sẽ được đầu tư trở lại để phát triển hạ tầng giao thông, các biển báo và phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo Nghị định 176 của Chính phủ. 

“Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giao thông đường bộ là chuyện hết sức bình thường trong thời gian qua, lý do tăng mức xử phạt thường là do mức xử phạt cũ không đủ sức răn đe, không đạt hiệu quả khi điều kiện kinh tế xã hội đã thay đổi, do trượt giá của đồng tiền. 

Tuy nhiên, Nghị định 168 Chính phủ ban hành nhiều mức xử phạt được cho nghiêm khắc mà địa phương vẫn điều chỉnh văn bản đặc thù để tiếp tục tăng mức xử phạt thì đó có thể là bất thường, bởi vậy cần cân nhắc trong tình huống này”, Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ.

Luật sư Cường nhấn mạnh, về lý thì Hà Nội hoàn toàn có quyền tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông miễn là không vượt quá khung mà luật xử lý vi phạm hành chính quy định. 

Hà Nội đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông gấp 2 lần: Phạt chồng phạt? - 1
Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: Hải Anh 

Tuy nhiên việc tăng mức xử phạt  có hợp lý, có khả thi hay không thì phải xem xét nhiều yếu tố, như điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân và hiệu lực hiệu quả của việc sửa đổi này. 

“Tôi cho rằng cần cân nhắc thời điểm tăng mức xử phạt cũng như tính khả thi của quy định mới khi tăng mức xử phạt, đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật. 

Mức xử phạt theo nghị định 168 có tính răn đe mạnh mẽ và chưa có tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên thời gian qua nghị định này đã đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. 

Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vượt quá khả năng nộp phạt của người tham gia giao thông cũng có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hạnh phúc gia đình, đến sinh kế mưu sinh của nhiều người.

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ nói riêng và trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung chỉ có thể hợp lý nếu như mức xử phạt cũ không còn phù hợp, không đủ sức răn đe. Nếu tiếp tục tăng mức xử phạt ở Hà Nội cao hơn mức nghị định 168 ở thời điểm này thì có vẻ chưa thực sự cần thiết”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích. 

Theo N.Huyền (VietNamNet)

Nổi bật