UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua Hà Nội 58,2 km, qua Hưng Yên 19,3 km, qua Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối 9,7 km.
Tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Vành đai 4 vùng Thủ đô hơn 85.800 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách TP là 22.962 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 19.137 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 3.825 tỷ đồng).
Tờ trình nêu, trường hợp tổng mức đầu tư dự án thành phần (do TP Hà Nội quyết định đầu tư) có điều chỉnh tăng thì phần vốn tăng thêm sẽ đảm bảo bố trí từ nguồn ngân sách thành phố.
Dự án được chia thành ba nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm một với 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm hai với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương. Nhóm ba với một dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BOT.
Nghiên cứu giãn tiến độ 1 năm đối với Vành đai 4 Vùng Thủ đô
Theo thông báo vừa được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cần thiết đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án này tại Kỳ họp thứ 3.
Cơ quan thường trực của Quốc hội nhận thấy đây là 2 dự án rất quan trọng và nằm trong tổng thể xem xét các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán vốn... bảo đảm tuân thủ khung của chính sách đã đề ra trong 5 năm.
Trên cơ sở xem xét tính cấp bách của các dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất triển khai, thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM với tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2026, quyết toán năm 2027.
Với dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu giãn tiến độ 1 năm, cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.
Việc giãn tiến độ như vậy để bảo đảm tính khả thi và cân đối, bố trí phần vốn cho các dự án quan trọng khác, đồng thời tránh trường hợp tập trung bố trí vốn quá nhiều vào một dự án nhưng không bảo đảm tiến độ triển khai, giải ngân.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc triển khai đồng thời nhiều dự án đường cao tốc, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn nhu cầu về nguyên vật liệu, nhà thầu, máy móc thiết bị... Điều này sẽ khó bảo đảm chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
“Đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... và làm rõ giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai và cam kết trước Quốc hội về tiến độ, chất lượng của các dự án”, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Với dự án đầu tư đường Vành đai 4 có thêm nguồn vốn PPP tham gia và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành, địa phương liên quan, trong đó cần cụ thể hóa trách nhiệm “đầu mối” của Hà Nội và TP.HCM.
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)