Trong tờ trình gửi HĐND Hà Nội về việc thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, UBND thành phố cho biết đang gặp một số khó khăn khiến công tác triển khai, thi công chậm tiến độ.
Do đó, thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đoạn trên cao đưa vào khai thác, vận hành năm 2022 và khai thác toàn tuyến năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm). Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng.
TP Hà Nội đưa ra 8 lý giải cho đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án. Đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực nhà thầu gói thầu công trình kiến trúc Depot còn hạn chế; năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp các sở, ngành chưa tốt; sự khác nhau giữa quy định hợp đồng quốc tế với pháp luật Việt Nam; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...
UBND Hà Nội cho biết tiến độ hoàn thành toàn tuyến chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ thực hiện gói thầu CP03 – hầm và các ga ngầm. Chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công của gói thầu này là 56,5 tháng, tương đương 4,7 năm.
Đồng thời, việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời các công trình bị ảnh hưởng bởi thi công tuyến hầm và các ga ngầm, đến nay, chủ đầu tư đã dự kiến đến tháng 10 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu gói thầu CP03.
Vì vậy, việc xác định tiến độ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027 được căn cứ vào thời hạn thi công của gói thầu trên là 56,5 tháng.
Việc tăng tổng mức đầu tư cũng được UBND thành phố lý giải bởi 7 nguyên nhân gồm biến động tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc, chậm tiến độ, bổ sung các công việc còn thiếu... Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 7/8/2022 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự kiến, sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ.
Hiện tại dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Tính đến hết tháng 8, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, báo cáo của UBND thành phố cho thấy hiện vẫn còn khiếu nại của 177 hộ dân tại Depot và đường dẫn vào Depot đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ. Với đoạn ngầm, công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư 50 căn nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm (43 căn nhà cần tạm cư và 7 căn nhà cần phá dỡ, đều không phải thu hồi đất) gặp nhiều vướng mắc do chưa có quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện ở Việt Nam.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)