Hà Nội đăng ký tiêm văcxin 5 trong 1 Pentaxim qua mạng

27/12/2015 15:35:28

Ngày 28/12, 17 điểm tiêm của Hà Nội sẽ đồg loạt tiêm văcxin Pentaxim, Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ xây dựng phần mềm điện tử để người dân đăng ký qua mạng.

Ngày 28/12, 17 điểm tiêm của Hà Nội sẽ đồg loạt tiêm văcxin Pentaxim, Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ xây dựng phần mềm điện tử để người dân đăng ký qua mạng.

Theo đó, sẽ có hướng dẫn cụ thể người dân cách để đăng ký, hẹn ngày giờ tiêm, địa điểm tiêm, giấy tờ cần mang theo để đảm bảo tiêm đúng đối tượng…
 

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Trung tâm sẽ phối hợp với VNPT xây dựng phần mềm điện tử để tạo thuận lợi nhất cho người dân đăng ký, đăng ký thuận lợi nhất, tránh tình trạng đăng ký ảo. Ước tính số tiêm dịch vụ là khoảng 60.000 liều. Như vậy với số lượng hơn 12.000 liều hiện tại và thêm 29.000 liều sắp tới sẽ đáp ứng được 60-70% nhu cầu. Tuy nhiên, ước tính nhu cầu trong năm 2016 của thành phố lên đến 100.000-120.000 liều.

Cục trưởng Cục Quản lý Dược ông Trương Quốc Cường cho biết: “Không thể cam kết có văcxin Pentaxim trong năm 2016. Để có được 200.000 liều văcxin này, chúng tôi đã phải mất đến một năm, qua rất nhiều lần đàm phán. Nhà sản xuất nói họ đã rất cố gắng, co kéo, điều phối từ các thị trường khác”.

Trên thế giới hiện nay có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất văcxin vô bào (văcxin 5 trong 1 Petaxim, 6 trong 1 Infarix...) là Nhật Bản, Công ty GlaxoSmithKline (GSK) và Sanofi (Pháp) với 20 số đăng ký. Hiện nay không còn nguồn nào khác. Nhật Bản chỉ sản xuất đủ nhu cầu trong nước. Còn lại 2 hãng chỉ ưu tiên những nước sử dụng văcxin này trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam sử dụng văcxin 5 trong 1 Quinvaxem. Điều này lý giải thắc mắc của nhiều người vì sao Singapore có văcxin mà Việt Nam lại thiếu.

Bộ Y tế khuyến cáo, không có văcxin dịch vụ, người dân nên lựa chọn tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, có thành phần tương tự như Pentaxim. Mỗi năm nước ta có 1,7 triệu trẻ sinh ra; 90% trong số này đang được tiêm Quinvaxem.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Quinvaxem chỉ khác Pentaxim ở chỗ tỷ lệ gặp phản ứng phụ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm… còn tỷ lệ phản ứng của 2 loại này là tương đương nhau. Văcxin dịch vụ mỗi năm chỉ tiêm 200.000-300.000 liều, trong khi Quinvaxem lên đến hơn 4 triệu liều- văcxin này luôn được cung cấp đủ không thiếu.

Trước đây, trẻ được tiêm văcxin DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván và uống thêm bại liệt do Việt Nam sản xuất. Từ năm 2010, trẻ được chuyển sang tiêm văcxin phối hợp 5 trong 1 Quinvaxem phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib; uống kèm thêm bại liệt. Khi đó, Việt Nam không sản xuất văcxin 3 trong 1 DPT nữa. Văcxin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất dựa trên công nghệ của hãng Novartis (Thụy Sĩ).

Theo các chuyên gia, không phải chỉ tiêm Quinvaxem mới ghi nhận trường hợp phản ứng mà tiêm viêm gan B, lao, thậm chí vitamin K cũng có. Trước kia, nước ta tiêm DPT cũng có một tỷ lệ nhất định có phản ứng phụ, không có văcxin nào là an toàn 100%.
 
Theo Nam Phương (VnExpress.net)

Nổi bật