Chiều 17/8, ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố Hà Nội đã họp về tình hình dịch bệnh hiện nay.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Hạnh – Phó Giám đốc sở Y tế cho biết, từ ngày 14-17/8, Hà Nội ghi nhận thêm 02 ca mắc mới. Bệnh nhân Nguyễn Mạnh C. (BN 962), nam, 30 tuổi, nhân viên ngân hàng. Địa chỉ: 6 ngõ 91 Nguyễn Văn Trỗi, Phương Liệt, Thanh Xuân. Bệnh nhân có đi công tác Đà Nẵng từ ngày 20/7 đến 22/7.
Bệnh nhân Vũ Hồng Cúc (chưa được bộ Y tế công bố), nữ, 25 tuổi, nhân viên ngân hàng. Địa chỉ: P.301 nhà số 10 ngõ 147 Trương Định, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân có tiếp xúc với BN 962 ngày 08/8/2020. Tổng cộng trong đợt dịch lần này, Hà Nội ghi nhận 11 ca bệnh.
Nhận định tình hình dịch bệnh, ông Hạnh cho biết, giai đoạn này dịch bệnh đã xảy ra tán phát tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn và nguồn lây đều từ ngoài Thành phố xâm nhập vào.
Đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành FO).
Các ca mắc hầu hết được phát hiện tại các bệnh viện (8/10 ca). Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn của Trung ương cũng như Thành phố và thường xuyên có lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác về khám chữa bệnh nên nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh thành khác vào là rất lớn. Chính vì thế, ông Hạnh khuyến cáo việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn...
Ông Hạnh yêu cầu, các bệnh viện thực hiện việc phân luồng ngay từ cổng bệnh viện theo hướng dẫn của bộ Y tế, bố trí phòng khám sàng lọc tại khoa khám bệnh. Thành lập khu cách ly, điều trị bệnh nhân; đảm bảo các trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế tại các vị trí làm việc.
Nâng cao cảnh giác trong công tác phòng chống dịch đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh cường công tác khám sàng lọc, phân loại người bệnh đến khám (lưu ý cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở mà không rõ yếu tố dịch tễ), thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca nhiễm Covid-19, thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly và kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm phòng tránh lây nhiễm trong các cơ sở y tế cũng như lây nhiễm từ các cơ sở y tế ra cộng đồng.
Đảm bảo đầy đủ trang bị phòng hộ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh.
Đảm bảo công tác phòng chống dịch tại các nhà hàng, quán ăn. Đề nghị Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm các cấp tăng cường kiểm tra và xử lý sai phạm nếu có theo Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28/5/2020 về việc ban hành hướng dẫn phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng.
Tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm PCR cho những người về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7 đến 29/7.
Khi phát hiện ra ca bệnh cần tập trung điều tra, xác minh truy vết những người tiếp xúc và có liên quan, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ; khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm và không được bỏ sót đối tượng. Ông Hạnh đề nghị các sở ban ngành Thành phố theo chức năng nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo theo ngành dọc về công tác phòng chống dịch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các đơn vị.
Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc sở Y tế cho biết thêm, trong những ngày vừa qua, ban chỉ đạo đã khảo sát tại các nhà hàng qua sự việc ở Hà Nội và Hải Dương, nguồn cơ lây bệnh từ các nhà hàng mà ra. Tuy nhiên bàn ghế vẫn giữ khoảng cách cũ khi chưa có dịch. Khách vẫn ngồi sát vào nhau.
“Tôi đề nghị chúng ta phải làm quyết liệt việc này. Xử lý nghiêm các trường hợp nhà hàng không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của ban chỉ đạo”, ông Hiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hiền nói tiếp, người nhà vào các bệnh viện còn nhiều, chúng ta phải kiểm soát chặt 1 bệnh nhân chỉ 1 người nhà vào. Vì môi trường bệnh viện không phải môi trường an toàn cho chúng ta.
Theo Lê Liên- Bùi Hiếu (Nguoiduatin.vn)