Sáng 3/11, trao đổi với PV, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, ông đã giao cho quận Hoàn Kiếm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm sự việc một số đối tượng có hành vi hóa trang giống Bác Hồ xuất hiện ở quán bar trên phố Hai Bà Trưng vào đêm Halloween.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho hay, hiện sự việc đang được cơ quan công an quận tiến hành điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm.
Cũng trong sáng 3/11, lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm thông tin, Cơ quan CSĐT Công an quận đã xác minh, làm rõ và củng cố hồ sơ xử lý người đàn ông có hành vi hóa trang giống hình ảnh Bác Hồ, xuất hiện tại 1 quán bar trên phố Hai Bà Trưng.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện 1 trường hợp người đàn ông mặc quần áo, hóa trang giống hình ảnh Bác Hồ, xuất hiện tại quán bar IP Club 41 phố Hai Bà Trưng, thuộc phường Trần Hưng Đạo.
Tại đây, người này còn có một số phát ngôn bắt chước lãnh tụ.
Khẩn trương xác minh, Công an quận Hoàn Kiếm làm rõ và yêu cầu người có hành vi nêu trên đến làm việc. Cơ quan công an xác định, người này là Đỗ Thành Nam (SN 1976, HKTT phường 1, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).
Tại cơ quan Công an, Nam khai nhận tối 31/10 đến quán bar ở phố Hai Bà Trưng và đã hóa trang giống hình ảnh Bác Hồ.
Cùng với việc xem xét, xử lý hành vi của Nam, cơ quan Công an cũng đang xác minh, xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, bất kỳ hành vi nào thể hiện thái độ thiếu chuẩn mực, thiếu nghiêm túc, có dấu hiệu xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc thì đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp này, cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh, làm rõ động cơ mục đích của các đối tượng này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng thực hiện hành vi có mục đích chính trị hoặc có ý đồ xấu thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu do sự thiếu hiểu biết thì thanh niên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Điểm a Khoản 1 Điều 8; Khoản 1 Điều 16 và Khoản 1 Điều 18 Luật an ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, danh hùng dân tộc; tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
Theo đó, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 7 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể, phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Hoàng Đan (Pháp Luật & Bạn Đọc)