Sáng 6/9, tại buổi làm việc của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội với Sở Nội vụ, nhiều ý kiến đề cập thực trạng thiếu giáo viên, thiếu trường, lớp công và sự quá tải học sinh tiểu học trong nội thành.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho hay, đến hết tháng 7 tổng số công chức, viên chức cấp xã còn thiếu so với biên chế đươc giao là hơn 22.000, trong đó lĩnh vực y tế, giáo dục thiếu nhiều nhất.
Sở Nội vụ đã chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát số giáo viên còn thiếu theo từng cấp học, từng trường, từng môn và đã trình UBND thành phố xem xét tuyển dụng hơn 8.200 biên chế giáo dục (gần 8.000 viên chức giáo viên và trên 200 viên chức nhân viên).
Theo Phòng Nội vụ huyện Hoài Đức, đơn vị này đang thiếu khoảng 400 biên ở cả ba cấp học. Việc thiếu nhân sự buộc các trường phải ký hợp đồng ngắn hạn, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý giáo viên khi họ không biết tương lai sẽ thế nào.
Tăng giáo viên phụ trách lớp đông học sinh
Phó giám đốc Sở Giáo dục Lê Ngọc Quang cho biết, toàn thành phố thiếu trên 12.000 giáo viên so với biên chế được giao. Sở đã có tờ trình đề xuất tuyển hơn 8.000 người và mong thành phố sớm phê duyệt.
Ông Quang cho hay, trong khi đợi thành phố, Sở Nội vụ cần có hướng dẫn kỹ hơn về hợp đồng với giáo viên. Thực tế hiện nay mỗi quận, huyện thực hiện một kiểu "có nơi hợp đồng 9 tháng, nơi 10 tháng, cũng có đơn vị ký theo năm là 12 tháng". Trong khi giáo viên không chỉ có thời gian đứng lớp mà còn cần bồi dưỡng, nhất là giáo viên mới ra trường thì hè cần bồi dưỡng kiến thức.
"Với 87 trường có số học sinh mỗi lớp vượt quy định, Sở đã đi rà soát kỹ từng nơi và những trường có thể giảm thì đã giảm hết mức. Nhưng vẫn còn trường có tình trạng trên 50 học sinh/một lớp", ông Quang nêu.
Lãnh đạo ngành giáo dục thủ đô cho rằng, khối mầm non đã quy định ký hợp đồng với giáo viên theo số trẻ và với tình thế hiện nay của khối tiểu học cũng nên áp dụng cách tính định mức chỉ tiêu như vậy. Những lớp trên 50 học sinh có thể giao cho hai giáo viên phụ trách.
"Hai giáo viên tiểu học phụ trách một lớp, nhất là với lớp 1 mới có thể hướng dẫn cho các cháu, đặc biệt sắp tới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Một cô quản 60 cháu thì không thể đổi mới được, có khi đảm bảo chất lượng bình thường cũng khó", ông Quang nói.
Theo ông Quang, vừa qua Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức hội thảo và cũng đề xuất quy định định mức giáo viên theo số lượng học sinh, không theo số lớp như hiện nay.
Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng nguyên nhân các đơn vị chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao do thành phố thực hiện chủ trương của trung ương, tạm dừng tuyển dụng để rà soát.
Đồng tình với đề xuất tuyển dụng hơn 8.000 biên chế giáo dục, ông Nam lưu ý với những trường hợp đang ký hợp đồng, cần ưu tiên để họ thi tuyển, nhưng cũng cần kiên quyết loại nếu không đạt chất lượng, tạo điều kiện cho những người đủ điều kiện vào ngành.
Năm học 2018-2019, thành phố Hà Nội có gần 2 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, riêng lớp 1 là 180.000, tăng 30.000 so với năm học trước. Nhiều lớp 1 trong quận nội thành có sĩ số học sinh lên đến 60-68, cao gần gấp đôi so với chuẩn 35 học sinh/lớp.
Hà Đông là quận có đông học sinh nhập học lớp 1 nhất với hơn 11.000 em. Xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là huyện Đông Anh với trên 9.800 học sinh và quận Hoàng Mai với hơn 9.700 học sinh.
Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là trường có đông học sinh lớp 1 nhất thành phố với 1.140, bằng xấp xỉ học sinh toàn trường khác.
Theo Võ Hải (VnExpress.net)