Theo chia sẻ của anh Thanh Tùng (Hà Nội), chiều ngày 2/1 trước khi tắm cho con trai, anh đã bật bình nóng lạnh. Một lát sau anh nghe thấy tiếng roẹt roẹt và tiếng nổ tí tách nhưng anh chỉ nghĩ đơn giản là chuột phá nên không để tâm.
Nhưng bất ngờ, lát sau quay vào phòng tắm anh thấy bình nóng lạnh bốc cháy ngùn ngụt và phát nổ. Anh vội chạy ra ngắt cầu giao và lấy nước dập lửa.
Vụ cháy nổ khiến tường nhà tắm nơi anh Tuấn lắp bình nóng lạnh bị nứt, nắp bồn cầu bị vỡ và cháy, toàn bộ nhà tắm bao phủ bởi lớp khói đen xì.
Trao đổi với PV, anh Tùng cho biết, may mắn khi đó anh chưa cho con đi tắm nên không bị ảnh hưởng gì.
“Mình có thói quen vừa bật bình nóng lạnh vừa tắm, may mà hôm đó mình chưa đưa con vào nhà tắm thì phát hiện vụ việc.
Mình cũng nghe tin bình nóng lạnh bị dò điện với phát nổ nhiều lần nhưng chủ quan không nghĩ sẽ rơi vào hoàn cảnh như vậy, sự việc xảy ra đến giờ vẫn còn thấy run” – anh Tùng nói.
Theo anh Tùng, bình nóng lạnh này anh lắp trên tầng ba của gia đình, tính từ thời gian lắp đến nay cũng đã 7 – 8 năm. Sau khi gọi thợ anh Tùng được giải thích là do hệ thống tự ngắt (rơ –le) của bình nóng lạnh quá tải nên phát nổ.
Rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình, anh Tùng khuyên mọi người khi đi tắm nên tắt bình nóng lạnh và thường xuyên chú ý bảo dưỡng sẽ an toàn hơn.
Theo khuyến cáo từ chuyên gia, sau khi bật nước nóng và chờ đủ thời gian làm nóng thì ngắt hẳn nguồn điện rồi mới bắt đầu dùng nước.
Nhiều gia đình có thói quen cắm bình nước nóng 24/24 và để bình tự đóng, ngắt theo rơ-le tự động. Việc này sẽ khiến các bộ phận của bình nhanh bị hỏng do hoạt động quá tải, dễ gây hở điện.
Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên bảo trì và kiểm tra bằng bút thử điện xem bình có rò rỉ hay không và thay mới nếu cần.
Nếu phát hiện người bị giật, không nên lao vào cứu mà cần nhanh chóng ngắt cầu dao điện, sau đó đưa người bị giật ra khỏi vùng nước nhiễm điện và sơ cứu.
Theo Thiên Di (Khampha.vn)