Sáng 27/7, Sở TT&TT Hà Nội tổ chức buổi thông tin báo chí về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, cho biết, mục tiêu tổng quát là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối với Trung ương, thống nhất từ Trung ương đến thành phố, cấp huyện, cấp xã.
Căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 7/9/2021 của Bộ TT&TT, Kế hoạch của thành phố đề ra các nhóm nhiệm vụ đồng bộ: Trang thông tin điện tử cấp xã, bảng tin điện tử công cộng, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện.
Hệ thống thông tin cơ sở (gọi tắt là loa phường) trong 2 năm chống dịch phát huy vai trò quan trọng. Có lúc có nơi có người dân bức xúc do nội dung chưa phong phú, khung giờ chưa hợp lý... Kế hoạch yêu cầu nâng cao chất lượng nội dung nhằm đưa thông tin đến người dân thiết thực, phong phú, chất lượng...
Thông tin tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, thành phố có 579 xã phường, thị trấn, tương ứng với đó là các đài truyền thanh hoạt động. Qua các giai đoạn, tùy vào thời điểm, Sở có tham mưu cho thành phố các văn bản để sử dụng hệ thống này hiệu quả nhất.
"Truyền thanh khác loại hình khác, không thể thay thế được. Ở các tổ dân phố của Hà Nội có nhu cầu thông tin khác nhau. Việc bắt một tổ trưởng đến từng nhà dân sẽ rất vất vả. Trong khi đó, phát thông tin qua loa, người dân sẽ nắm được, từ đó các chủ trương của thành phố, việc nội bộ của khu dân cư đến được với người dân", bà Hương nêu.
Theo bà Hương, với việc khôi phục lại hoạt động của loa phường, thành phố sẽ sử dụng cách thức vận hành loa phường phải thân thiện với người dân.
"Trước đây hệ thống loa phường bố trí thành cụm loa lớn, ai ở gần sẽ bị ô nhiễm tiếng ồn. Trong các kế hoạch mới sẽ duy trì số lượng loa ít đi sẽ giảm tiếng ồn, sau đó, các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để chọn vị trí và số lượng loa cần lắp đặt", bà Hương nói và cho biết, nội dung và thời lượng phát thanh cũng thay đổi.
Cụ thể, mỗi ngày hệ thống loa phường sẽ không phát quá 2 lần, mỗi lần không quá 15 phút, các ngày cuối tuần sẽ dừng phát loa (việc này có thể điều chỉnh trong điều kiện cấp bách như dịch bệnh, thiên tai...).
Trước câu hỏi về việc đã khai tử hay chưa, bà Nguyễn Thị Mai Hương khẳng định: "Hà Nội chưa hề dừng loa phường để phải khôi phục, thành phố chỉ thay đổi cách vận hành để thân thiện với người dân. Chỉ có loa phường mới đáp ứng được và đóng vai trò then chốt với các thông tin cơ sở".
Đáng chú ý, việc vận hành loa phường sắp tới sẽ không có cán bộ chuyên trách mà sẽ sử dụng nhân lực kiêm nhiệm. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ giảm nhân sự tham gia.
Trả lời câu hỏi của báo VietNamNet về tiêu chí lắp đặt loa phường và tại các vị trí các khu đô thị như Ciputra, Royal City... có lắp loa phường hay không?, bà Hương cho biết, các khu vực như Ciputra hay các vị trí nêu trên "đã có hướng dẫn".
Trong hệ thống của nhà cao tầng, Sở TT&TT có trao đổi nội dung thông tin đến ban quản lý tòa nhà. "Tất cả các vị trí như khu đô thị Ciputra hay các khu vực khác Sở sẽ kiểm tra lại cụ thể, các quy định khu vực nào lắp đặt đều có hết", bà Hương nói.
Theo bà Hương, trong thời gian tới, thành phố sẽ nỗ lực lắp đặt loa phường đến các tổ dân cư. Nếu chỗ nào chưa có thì sẽ xem xét chứ không phải là chỗ để trừ ra không lắp đặt.
Bà Hương cũng cho biết, có những vị trí sẽ cân nhắc hạn chế lắp đặt loa phường ở các khu vực có yếu tố ngoại giao. "Tại khu đô thị Royal City, theo khảo sát thì tại đây đã có hệ thống truyền thanh của khu đô thị ở từng cầu thang để thông tin, các đơn vị của thành phố sẽ phối hợp với ban quản trị tòa nhà để truyền tải các nội dung tuyên truyền kết nối với hệ thống truyền thanh của khu đô thị này", bà Hương nói.
NT (Nguoiduatin.vn)