Hà Nội: Chưa được nhận tiền hỗ trợ COVID-19, người dân bức xúc vì phải nộp hàng chục loại phí tự nguyện

17/06/2020 07:59:21

Khi đang mòn mỏi chờ đợi khoản tiền hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 thì nhiều gia đình sinh sống trên địa bàn phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) lại phải đóng quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo, quỹ vì trẻ thơ... trên tinh thần tự nguyện.

Ngày 16/6, phản ánh tới Báo Gia đình & Xã hội, chị P.T.Q (HKTT tại tổ 3, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho biết, khi nhiều người dân, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn phường Khương Đình chưa nhận được tiền hỗ trợ vì dịch COVID-19 thì đã phải đóng rất nhiều loại phí tự nguyện mà tổ trưởng tổ dân phố nơi chị Q sinh sống triển khai.

Hà Nội: Chưa được nhận tiền hỗ trợ COVID-19, người dân bức xúc vì phải nộp hàng chục loại phí tự nguyện
Danh sách các hộ dân tại khu dân cư 2, phường Khương Đình đóng góp quỹ tự nguyện. Ảnh: NVCC

Chị Q bức xúc: "Tôi sống ở tổ 3 từ năm 2001 đến nay. Năm nào, tổ dân phố nơi đây cũng thu nhiều loại quỹ cứng như quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo Việt Nam, quỹ lễ đình, quỹ phường, quỹ tổ dân phố, quỹ vì trẻ thơ, quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ tình nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ người cao tuổi, quỹ bảo trợ xã hội, quỹ hội phụ nữ...

Ngoài ra, còn một số loại quỹ phải đóng đột xuất như quỹ chữ thập đỏ, quỹ cựu chiến binh, quỹ tu bổ tượng đài liệt sĩ, quỹ ủng hộ thiên tai...".

Theo chị Q: "Mỗi năm, nhà tôi phải đóng làm 2-3 đợt, mỗi đợt mấy loại quỹ. Mỗi lần gia đình tôi đóng từ 150.000 - 200.000 đồng. Tính ra, một hộ dân phải đóng khoảng 500.000 đồng/năm tiền quỹ. Số tiền này nếu tính theo số đầu hộ là vô cùng lớn".

Cũng theo chị Q, năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến, ít nhiều người dân ở Hà Nội bị mất việc, giảm thu nhập. Từ tháng 5 tới giờ mới bắt đầu có hoạt động kinh tế trở lại nhưng thực tế rất nhiều người dân vẫn chưa có việc làm, việc làm chưa ổn định hoặc thu nhập bấp bênh. Thế nhưng, UBND phường Khương Đình vẫn tổ chức thu đủ các loại quỹ. Hồi cuối tháng 3/2020, gia đình chị Q bị thu 3 loại quỹ, đầu tháng 6 thì phải đóng 6 loại quỹ.

Chị Q quả quyết: "Việc thu quỹ trong khi người dân đang rất khó khăn do dịch bệnh đã khiến nhiều người dân bức xúc. Trong khi, tính đến ngày hôm nay, rất nhiều người bị thất nghiệp tạm thời đã nộp đủ tờ khai và giấy tờ tới tổ dân phố nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước từ gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng".

Hà Nội: Chưa được nhận tiền hỗ trợ COVID-19, người dân bức xúc vì phải nộp hàng chục loại phí tự nguyện - 1
Thư trả lời chị P.T.Q của ông Nguyễn Xuân Lưu - Bí thư quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân vào tháng 3/2020. Ảnh: NVCC.

"Trong đợt thu hồi tháng 3/2020 khi dịch đang diễn biến phức tạp, tôi đã có thư gửi đến ông Nguyễn Xuân Lưu – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân. Ngay sau đó, trong văn bản trả lời, ông Lưu đã chỉ đạo 11 phường dừng tổ chức bầu cử tổ dân phố, mà thực hiện chỉ định tổ trưởng lâm thời. Về đề nghị dừng thu các loại quỹ, ông Lưu hứa sẽ xem xét rồi trả lời công dân sau.

Tuy nhiên, cho đến nay tôi chưa nhận được câu trả lời cho đề nghị tạm dừng thu quỹ từ UBND quận Thanh Xuân. Cách đây vài hôm, lại có đội dân phố tiếp tục đi gõ cửa từng nhà để thu quỹ" - chị Q bức xúc.

"Tôi đã viết tâm thư gửi đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với mong muốn thành phố chỉ đạo các địa phương, tổ dân phố dừng ngay việc triển khai thu các loại quỹ. Mặc dù đây là quỹ tự nguyện nhưng tôi cho rằng, trong khi người dân ai cũng đang rất khó khăn sau dịch COVID-19, thậm chí là chưa hề nhận được khoản hỗ trợ khó khăn nào từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ mà tổ dân phố lại tổ chức thu nhiều loại quỹ thì chẳng khác nào "vô cảm" với người dân", chị Q cho hay.

Cùng quan điểm với chị Q, anh T.N (thợ điện lạnh sinh sống tại tổ 3, phường Khương Đình) cho biết, đại diện tổ dân phố vẫn gõ cửa từng nhà để thu quỹ đã khiến nhiều người dân bức xúc.

Bởi, trên địa bàn tổ 3 có nhiều người dân gặp khó khăn sau dịch COVID-19. Nhiều người là lao động trụ cột mà vẫn chưa tìm được việc làm, hoặc phải đi làm xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Những nhà kinh doanh thì chưa mở cửa lại hoặc có mở lại cũng chưa có khách. Nói chung, rất nhiều gia đình có thu nhập bấp bênh. Bản thân anh T.N cũng đang bấp bênh về thu nhập, công việc.

Thông tin về vấn đề này, ngày 16/6, ông Nguyễn Quốc Việt – Tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Khương Đình cho biết, việc thu các quỹ hàng năm trên tinh thần tự nguyện của nhân dân đều theo kế hoạch của phường. Năm nay, quỹ biển đảo và quỹ vì người nghèo là theo kế hoạch của Mặt trận Tổ quốc phường. 2 loại quỹ này đã thu từ sau Tết Nguyên đán và đã nộp cho phường.

Còn 5 quỹ là quỹ trẻ thơ, quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ từ thiện, quỹ người cao tuổi thì phường chưa có kế hoạch nhưng một số khu dân cư trên địa bàn đã phát động thu từ đầu tháng 6 đến nay. Cũng theo ông Việt, việc thu các quỹ chia ra nhiều giai đoạn chứ không phải là thu một lúc nhiều khoản quỹ. 

"Chúng tôi chỉ vận động những hộ có điều kiện và tùy tâm người đóng. Nếu tính tổng các loại quỹ thu trong năm cũng rơi vào khoảng 500.000 đồng/hộ, thấp nhất cũng là 200.000 đồng/hộ. Tôi đồng ý về mặt thời điểm thu là còn dập khuôn, chưa linh hoạt nên gây sự khó chịu cho người dân. Bởi những đối tượng nhận tiền hỗ trợ COVID-19 mới đang hoàn thiện danh sách và đưa lên phường. 

Tuy nhiên, tổ dân phố số 3 với khoảng 418 hộ thì mới chỉ thu được chưa đến phân nửa. Số tiền báo về mới khoảng 1,7 triệu đồng. Tất cả các khoản thu này sẽ đều nộp về phường theo kế hoạch để phường quản lý. Như hàng năm thì nộp về phường vào khoảng tháng 6", ông Việt khẳng định.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Phạm Thu Hà – Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, quỹ là tổ chức phi chính phủ, hoạt động với mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục... và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Tại Điều 5 Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức hoạt động của quỹ xã hội từ thiện đã quy định rõ, việc đóng quỹ là trên tinh thần tự nguyện, tự chủ nhưng phải theo quy định của pháp luật, phải công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động thu chi tài chính, tài sản quỹ.

Mặc dù là việc đóng quỹ trên tinh thần tự nguyện của người dân nhưng thực trạng một số nơi lại là "tự nguyện trên tình thần bắt buộc" hoặc "tự nguyện nhưng phải đạt tối thiểu". Điều này khiến người dân rất bức xúc là điều dễ hiểu, bởi người dân không hề biết và thậm chí, là không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc hoạt động, chi tiêu của các quỹ đó ra sao.

Việc góp quỹ vì những mục đích tốt đẹp, đóng góp cho xã hội thì người dân đều có thể hiểu được ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, khi cơ chế quản lý lại vẫn còn lỏng lẻo thì liệu các loại quỹ này có được thực hiện đúng mục đích hay không? Có lẽ, cần sự đồng lòng lên tiếng của người dân và sự vào cuộc một cách công tâm, khách quan, minh bạch từ chính quyền các cấp.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)