Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid của Hà Nội vào chiều 17/2, đại diện UBND huyện Đan Phượng cho biết, hàng ngày huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã phải báo cáo số người ở xã đi đến vùng dịch hoặc người đến địa bàn xã.
"Ngày hôm qua, chúng tôi phát hiện 12 trường hợp đi đến khu vực Vĩnh Phúc, có đi viếng đám tang và đã yêu cầu UBND các xã tiến hành cách ly. Ban chỉ đạo huyện đã đến tận gia đình tuyên truyền để người dân nhận thức rõ", đại diện UBND huyện Đan Phượng báo cáo.
Đại diện UBND huyện Gia Lâm cũng thông tin, đang cách ly một trường hợp từ vùng dịch ở Vĩnh Phúc và đáng chú ý, theo báo cáo của Công an huyện, có 7 cán bộ công an dẫn giải về Vĩnh Phúc
"Mặc dù không dẫn giải ở trong xã đó (xã Sơn Lôi - PV) nhưng Công an TP và Công an huyện vẫn thực hiện nghiêm túc, đưa về tiến hành cách ly, theo dõi", đại diện UBND huyện nêu rõ.
Đại diện UBND huyện Quốc Oai cũng cho biết, hiện huyện tiếp tục theo dõi, cách ly 10 người, trong đó có 1 trường hợp đến từ Trung Quốc, 9 người ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
“Cả 10 trường hợp này đều do người dân phát hiện. Một số trường hợp phản ứng khi bị cách ly, nhưng nhân dân cũng tham gia tuyên truyền, giám sát họ”, đại diện huyện Quốc Oai báo cáo.
Đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cũng thông tin, trên địa bàn quận hiện có 16 người phải tiến hành cách ly, theo dõi, trong đó, có 9 người ở Bình Xuyên và 7 người Trung Quốc).
Quận cũng đã tiến hành xác định những người tiếp xúc gần là 2 người và Trung tâm y tế quận đã tiến hành khử khuẩn nơi ở của các trường hợp bị cách ly.
Hà Nội cử bác sĩ lên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn tại Vĩnh Phúc
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, vừa báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 với Thường trực Thành ủy.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Theo ông Chung, không thể chủ quan trước dịch Covid-19 vì địa bàn Thủ đô có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Chỉ đạo cụ thể, ông Chung yêu cầu Sở Y tế chủ trì, chọn 2 - 4 bác sĩ chuyên ngành, cử lên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn ở vùng dịch của tỉnh Vĩnh Phúc.
Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân đi qua, về từ vùng dịch hoặc thấy dấu hiệu bất thường phải kịp thời thông báo cho các cơ quan y tế.
"Cần tổ chức tốt biện pháp cách ly và trong khâu tuyên truyền không nên cứng quá các quy định của pháp luật, đồng thời, nên tận dụng các thiết chế làng xóm, họ hàng để hạn chế đến mức thấp nhất việc cưỡng chế của chính quyền đối với các trường hợp cần cách ly.
Với những trường hợp sau khi đã tuyên truyền, vận động rồi mà vẫn không thực hiện thì tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định, bởi đây là trách nhiệm của mọi công dân đối với chính mình, gia đình, cộng đồng", ông Chung nói.
Người đứng đầu UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì và Sở GD-ĐT phối hợp trong việc tuyên truyền cho tất cả giáo viên phải nắm bắt, hiểu biết được dấu hiệu bệnh và các biện pháp tiêu trùng, khử trùng.
"Trong trường hợp, chúng ta quyết định cho các cháu đi học thì công tác quản lý, sát trùng, chuẩn bị cơ sở vật chất và kể cả ứng xử trong trường hợp phát hiện ca có dấu hiệu không bình thường phải bài bản, đúng địa chỉ", ông Chung chỉ đạo.
Đặc biệt, ông Chung yêu cầu trường nào nằm ở địa bàn phức tạp về dịch thì Sở Y tế chuẩn bị để có thể lắp đặt máy đo thân nhiệt, nhiệt độ cho học sinh trước và khi ra về.
"Tuần này, trong trường hợp thời tiết tốt lên, thành phố kiểm tra mà đủ độ an toàn sẽ quyết định phương án cho đi học hay không đi học. Tuy nhiên, vào thứ 7, chủ nhật tuần này các quận huyện đều phun khử trùng, tiêu độc lần thứ 4", ông Chung yêu cầu.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)