Sáng 4-7, HĐND TP Hà Nội thông qua đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030.
Ông Vũ Văn Viện - giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết sẽ có quy định chủ xe phải mở tài khoản phục vụ thu phí, nộp phạt - Ảnh: Xuân Long |
Trình bày đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030, ông Vũ Văn Viện - giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho rằng tình trạng gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động.
”Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời, trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm trọng hơn” - ông Viện nói.
Chủ xe phải lắp thiết bị phụ trợ, mở tài khoản phục vụ thu phí, nộp phạt
Ông Viện cho biết đề án sẽ có 6 giải pháp chính. Theo đó, về các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ sẽ có biện pháp hành chính. Trước mắt lập quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi đến năm 2030 để đảm bảo quản lý số lượng taxi hợp lý.
Đề xuất cấp hạn ngạch đối với taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi như Uber, Grab trên địa bàn TP theo quy hoạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.
Về biện pháp kinh tế, sẽ quy định chủ sở hữu ô tô trên địa bàn thành phố lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông - thiết bị thu phí tự động. Chủ xe cơ giới đường bộ phải mở tài khoản để thực hiện việc thu phí tự động cũng như nộp phạt khi vi phạm giao thông.
"Đối với xe taxi và các loại hình hoạt động tương tự xe taxi, sẽ ban hành quy chế quản lý chất lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ và quy định tỉ lệ số lượng xe taxi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng điện. Đồng thời điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn, đề xuất các biện pháp thu hồi, xử lý đối với xe không đảm bảo chất lựng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” - ông Viện cho biết.
Để thực hiện đề án, TP cũng đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đói với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn.
Nhiều giải pháp chưa có trong các quy định, phải báo cáo Quốc hội, Chính phủ
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Nguyên Quân - trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội - cho biết, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, đề án này sẽ được người dân đồng thuận. Các ban cũng thống nhất nội dung và các giải pháp của đề án.
Tuy nhiên, trong đề án có 7 giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành của Trung ương.
Thứ nhất, đấu giá quyền khai thác kinh doanh đối với số lượng xe taxi thay thế hàng năm và số lượng taxi tăng thêm theo quy hoạch.
Thứ hai, xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động tượng tự như taxi quy định quản lý như taxi.
Thứ ba, đề xuất quản lý tượng như như xe máy đối với xe đạp điện.
Thứ tư, đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn TP.
Thứ năm, đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đồng bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.
Thứ sáu, lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới.
Thứ bảy, tiếp tục rà soát điều chỉnh giờ học, giờ làm việc và kinh doanh dịch vụ nhằm giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm.
"Để có căn cứ, trước khi tổ chức thực hiện, UBND TP báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan, hoặc quy định đặc thù đối với thủ đô Hà Nội” - ông Quân nêu.
Tuy nhiên trong thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân Hoa cho rằng thay vì yêu cầu các chủ xe phải lắp thiết bị phụ trợ, cần có chính sách khuyến khích về những thiết bị phụ trợ này với chủ xe.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) cũng cho rằng đề án sẽ tròn hơn, hay hơn, đúng hơn... nếu chú trọng nội dung về ý thức của người tham gia giao thông.
“Vào chiến trường không sợ bằng bước chân từ xe buýt xuống đường. Ý thức của người tham gia giao thông là hết sức quan trọng. Cần kiểm tra việc học, cấp bằng lái xe, vì tôi nghĩ khi kiểm tra không biết bao nhiêu cái bằng là giả, bao nhiêu cái bằng là thật” - ông Được nói.
Theo Xuân Long (Tuổi Trẻ)