Theo báo Lao động Thủ đô, nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để phòng chống lây lan dịch Covid-19, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trong thời gian từ ngày 27/3 – 5/4, thành phố sẽ dừng hoạt động 80% chuyến lượt xe buýt trên toàn mạng.
Cũng theo đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, sau khi cắt giảm tần suất lưu thông, xe buýt hoạt động sẽ chỉ còn ở mức 45 - 60 - 90 phút/lượt so với tần suất 5 - 10 - 15 - 20 phút/lượt (tùy theo từng tuyến) trước đây. Cùng với việc giảm tần suất lưu lượng xe, thời gian hoạt động của xe buýt cũng rút xuống từ 6h đến 20h. Theo tính toán của Trung tâm, mỗi ngày sẽ có khoảng 12.430 lượt xe buýt phải dừng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội, ngày 20/3, Transerco đã có phương án cắt giảm 900 lượt xe trên 28 tuyến buýt tương đương 21,3% chuyến lượt.
Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, Tổng công ty xin báo cáo UBND thành phố, liên Sở GTVT - Tài chính phương án tiếp tục điều chỉnh giảm tần suất hoạt động các tuyến xe buýt của Transerco trong những ngày tới.
Theo đó, đối với những tuyến buýt đặt hàng trước 1/4, Transerco thực hiện giảm 7.558 lư xe/ngày trên tất cả các tuyến buýt (tương đương trên 77%) số lượt xe). Đối với những tuyến thực hiện theo hợp đồng đấu thầu sau 1/4/2020, Transerco thực hiện giảm 7.832 lượt xe/ngày trên tất cả các tuyến buýt của Tổng công ty (tương đương 77,5%) đang khai thác.
Về thời gian thực hiện, Transerco cho biết, bắt đầu từ ngày 27/3/2020 đến 5/4/2020. Trong quá trình thực hiện Tổng công ty sẽ tiếp tục theo dõi và căn cứ vào tình hình thực tế để báo cáo thành phố, Liên Sở GTVT- Tài chính điều để chỉnh cho phù hợp.
Còn tại TPHCM, ngày 27/3, Sở GTVT TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về việc tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn TP.HCM trước diễn biến của dịch Covid-19.
Theo đề xuất của Sở GTVT, TP.HCM sẽ ngưng hoạt động 54 tuyến xe buýt tại TP từ ngày mai (28/3) đến hết 5/4.
Trong đó, có 27 tuyến xe buýt không trợ giá kết nối với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, 9 tuyến xe buýt không trợ giá nội tỉnh và 18 tuyến xe buýt có trợ giá nhưng nhu cầu đi lại thấp.
Sở GTVT cũng đề xuất tạm ngưng tuyến buýt thủy, còn tàu du lịch nếu hoạt động phải đảm bảo không chở quá 20 người/chuyến và chở không quá 50% năng suất thiết kế.
Sở GTVT cũng đề xuất đối với vận tải hành khách tuyến cố định, sẽ giảm 60% số chuyến so với kế hoạch trên tất cả tuyến từ TP.HCM đến các tỉnh, TP trực thuộc trung ương từ ngày 28/3 đến hết 5/4. Yêu cầu các chuyến xe khách không chở quá 20 người mỗi chuyến và không quá 50% sức chứa của xe. Hành khách trên xe được nhân viên phục vụ xe hướng dẫn, bố trí ngồi xen kẽ, mỗi hàng ghế chỉ ngồi 1 người và buộc phải mang khẩu trang. Tại cửa lên xuống bố trí nước rửa tay cho hành khách trước khi lên xe.
Đối với xe khách hoạt động theo dạng hợp đồng, du lịch, trung chuyển cũng không được chở quá 20 người và không quá 50% so với sức chứa, khách phải đeo khẩu trang.
Sở GTVT cũng kiến nghị hạn chế tối đa các chuyến bay quốc nội đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, trừ những trường hợp cần thiết. Tại ga Sài Gòn, các đơn vị liên quan cũng phải kiểm soát chặt hành khách theo các hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GTVT.
Đối với hoạt động của ô tô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ, xe taxi, Sở GTVT đề xuất vẫn duy trì hoạt động. Những hành khách lên xe bắt buộc phải mang khẩu trang nếu không hấp hành sẽ bị từ chối phục vụ.
Sở GTVT hiện yêu cầu các nhà xe, nhà ga, phà, trạm trung chuyển phải bố trí người dân đứng cách nhau 2m, tránh tụ tập thành các nhóm trên 10 người.
HP (Nguoiduatin.vn)