Hà Nội căng thẳng nguyện vọng thi lớp 10, TP.HCM giải quyết bài toán khó ra sao?

07/05/2023 10:43:48

Tại hai thành phố đông học sinh nhất cả nước, việc tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM được đánh giá là "dễ thở" hơn so với Hà Nội.

Những ngày qua, nhiều phụ huynh Hà Nội phản ánh việc học sinh gặp khó khăn do quy định điền nguyện vọng khi thi vào lớp 10. Theo phụ huynh, việc không cho học sinh thay đổi nguyện vọng sau khi biết tỷ lệ chọi khiến các em bị giảm cơ hội trúng tuyển, tăng áp lực cho kỳ thi.

Lý giải điều này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay với đặc thù của Hà Nội, tất cả các trường THPT công lập đều tuyển sinh theo phương thức thi tuyển nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan trong công tác tuyển sinh. 

Theo ông Toản, các phương án tổ chức cho học sinh đăng ký dự tuyển sinh như trên đã được triển khai ổn định nhiều năm qua, phù hợp với đặc thù địa bàn của Thủ đô, tạo điều kiện tốt nhất và tạo tâm lý ổn định cho học sinh, đã được học sinh và người dân đồng thuận.

Cùng với Hà Nội, TP.HCM đang chịu cảnh tăng dân số cơ học. Áp lực này đòi hỏi hằng năm TP.HCM phải đối mặt với bài toán giải quyết chỗ học cho học sinh, giảm tải áp lực các kỳ thi chuyển cấp. Vậy ở tuyển sinh lớp 10, TP.HCM đã giải quyết bài toán khó này như thế nào?

Cùng chịu áp lực tăng dân số nhưng cách tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM được nhìn nhận là khoa học khiến học sinh, phụ huynh "dễ thở" hơn.

Đến thời điểm này, thành phố có 114 trường THPT công lập, hàng năm, tuyển khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp THCS. Cùng với đó, thành phố có hơn 100 trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Thành phố quy định học sinh sẽ thi vào lớp 10 với 3 môn gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Học sinh đăng ký vào trường chuyên, lớp chuyên, lớp tích hợp thi thêm môn chuyên, tích hợp. Trước đây, điểm xét tuyển lớp 10 là điểm môn Toán và Văn hệ số 2, Ngoại ngữ tính hệ số 1.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, thành phố đã đổi cách tính điểm, cả ba môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ đều tính điểm hệ số 1, với mục đích nâng cao chất lượng học ngoại ngữ cho học sinh.

Hà Nội căng thẳng nguyện vọng thi lớp 10, TP.HCM giải quyết bài toán khó ra sao?
Học sinh thi vào lớp 10 ở TP.HCM năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng

Kỳ thi vào lớp 10 hàng năm được tổ chức gọn nhẹ, diễn ra trong thời gian hai ngày bao gồm thi vào lớp 10 trường chuyên, lớp 10 chương trình tích hợp.

Thời gian thi môn Văn, Toán là 120 phút/môn, môn Ngoại ngữ 90 phút, môn chuyên và tích hợp 150 phút. Tại TP.HCM, chỉ riêng Trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi riêng vào lớp 10, với thời gian thi sớm hơn thời gian thi vào lớp 10 chung.

Mỗi học sinh TP.HCM sẽ được đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 trường chuyên, lớp chuyên được đăng ký 4 nguyện vọng. Không phân chia khu vực tuyển sinh như Hà Nội, TP.HCM khuyến khích học sinh đăng ký chỗ học cấp 3 gần nhà.

Từ đầu tháng 4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các trường THCS tổ chức họp phụ huynh và tư vấn cho phụ huynh cũng như học sinh chọn nguyện vọng thi tuyển vào lớp 10 các trường phù hợp với năng lực học tập của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc đi học khi trúng tuyển và giảm áp lực giao thông.

Để đảm bảo việc học tập, đối với các trường hợp học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT xa nơi cư trú, trường THCS tư vấn riêng với cha mẹ học sinh, đề nghị cha mẹ chứng minh điều kiện đảm bảo cho học sinh học tập tại trường đã đăng ký theo nguyện vọng, không thay đổi nguyện vọng khi đã trúng tuyển. Điều này phải có biên bản tư vấn giữa ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh. 

Giữa tháng 4 hàng năm, Sở GD-ĐT sẽ công bố chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Sau đó, Sở GD-ĐT dành gần 10 ngày học sinh đăng ký nguyện vọng theo phương thức trực tuyến.

Sau khi đóng cửa đăng ký, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổng hợp ban đầu về số học sinh đăng ký dự thi vào từng trường (đăng ký nguyện vọng 1) đồng thời công bố để phụ huynh và học sinh toàn thành phố biết.

Đây là cơ sở để học sinh, phụ huynh biết tỷ lệ chọi từng trường. Sau khi học sinh, phụ huynh biết tỷ lệ chọi, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ dành 1 tuần để phụ huynh học sinh và học sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Võ Thiện Cang, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở GD-ĐT làm như vậy vì muốn cho các em nhiều cơ hội.

Trong lần đăng ký đầu tiên, học sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhưng chưa biết tỷ lệ chọi vào trường ấy là bao nhiêu. Cụ thể, một trường có chỉ tiêu tuyển sinh là 500 học sinh nhưng Sở thống kê có tới 1.000 nguyện vọng 1 cho thấy tỷ lệ chọi khá cao. Nếu để như vậy chắc chắn có khoảng 500 học sinh sẽ bị trượt nguyện vọng 1.

Như vậy Sở GD-ĐT cho học sinh điều chỉnh, để học sinh có thể thay đổi nguyện vọng 1 vào một trường khác có tỷ lệ chọi thấp hơn khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn.

“Chúng tôi muốn cho học sinh cơ hội, để suy nghĩ kỹ lưỡng, cân nhắc kỹ càng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh dự vào lớp 10”- ông Cang nói. Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khẳng định: "Điều này không ảnh hưởng gì tới chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm của thành phố".

Trong nhiều năm qua, số lượng học sinh lớp 9 thi lên lớp 10 ở TP.HCM luôn tăng, tuy nhiên TP.HCM vẫn duy trì mức khoảng 70% học sinh dự thi có chỗ học công lập. Để đáp ứng điều này, mỗi năm TP.HCM cũng xây thêm hàng trăm phòng học mới.

Những công trình này được “âm thầm” xây dựng cùng với việc triển khai dạy và học hằng ngày. Hiện thành phố cũng tiến tới chạm mốc 300 phòng học/1 vạn dân.

Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó đang là Bí thư Thành uỷ TP.HCM, ví von TP.HCM như một "tổng công ty xây dựng trường học" vì năm nào cũng xây trường. Trung bình, cứ 5 năm, TP.HCM lại có thêm 1 triệu dân, nên 5 năm phải xây đủ trường cho 1 triệu người này.

Cả nước quy định dành 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng TP.HCM luôn bố trí 25% ngân sách cho giáo dục đào tạo.

Ngoài hơn 110 trường cấp 3 công lập, TP.HCM còn có hơn 100 trường tư thục, quốc tế, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp… đủ chỗ cho học sinh trượt lớp 10 công lập theo học.

Trong đó, các trường tư thục tuyển gần 30.000 thí sinh, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trung cấp - cao đẳng nghề cung cấp tuyển khoảng 20.000 chỉ tiêu. Việc tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, được thực hiện trong nhiều tháng liền.

Theo Lê Huyền (VietNamNet) 

Nổi bật