Hà Nội cân nhắc cho học sinh 'vùng xanh' quay lại trường học

22/09/2021 14:43:50

Hà Nội sẽ tính chuyện cho học sinh trở lại trường vào tháng 11 khi người dân tiêm phủ vắc xin mũi 2. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ở “vùng xanh” nhiều ngày không có ca mắc mới, Hà Nội nên linh hoạt cho học sinh tới trường.

Ưu tiên học sinh đầu cấp

Sau khi nghe tin, tháng 11 Hà Nội mới tính đến việc cho học sinh trở lại trường học nhiều phụ huynh cho biết, họ rơi vào thế khó khi hết giãn cách phải đi làm trở lại trong khi con chưa được tới trường. "Hai đứa học trực tuyến liên quan đến thiết bị, ổ điện… có nguy cơ mất an toàn nhưng không có ai trông nom tôi không thể yên tâm", chị Nguyễn Thu Hà ở quận Thanh Xuân nói.

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, trường học luôn sẵn sàng để đón học sinh trở lại. Khi có quyết định, chỉ cần 1-2 ngày để trường thực hiện sát khuẩn, lau rửa sàn nhà, bàn ghế, thiết bị học tập. Trường học cũng sẽ lên phương án phân luồng học sinh tránh ùn tắc trước cổng trường; cử giáo viên đo nhiệt độ trước khi các em vào lớp…

Cũng theo bà Lý, học sinh hiện đã học trực tuyến gần 3 tuần tuy nhiên chỉ có khoảng 40% học sinh có máy tính, số còn lại các em học qua điện thoại, màn hình nhỏ rất ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như hiệu quả học tập không cao. "Do đó, tuỳ tình hình thực tế để cân nhắc việc học sinh sớm quay lại trường học vì ở tiểu học, khối lớp 1 gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, hết giãn cách phụ huynh cũng đi làm, không có người hỗ trợ càng không hiệu quả", bà Lý nói.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh ông Nguyễn Văn Hậu nói rằng, địa phương nhiều ngày không có ca mắc mới. Do đó lãnh đạo TP Hà Nội nên cân nhắc, tính toán thí điểm cho học sinh ở các "vùng xanh" đi học trở lại. Ban đầu có thể cho học sinh đầu cấp, cuối cấp như: lớp 1, lớp 6, lớp 9, lớp 12 tới trường. Sau 1-2 tuần đảm bảo an toàn có thể mở rộng ra cho các khối lớp khác. "Khi học sinh vùng xanh đi học trở lại, trường có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ có thể chia đôi lớp học để đảm bảo giãn cách", ông Hậu nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông cho hay, với những vùng đã qua 1 tháng không có ca mắc mới có thể cho học sinh tới trường để cô trò dạy học đảm bảo chất lượng hơn. Phía các trường học, luôn sẵn sàng tinh thần cũng như chuẩn bị hết thuốc khử khuẩn, máy đo nhiệt độ… nên khi học sinh được phép quay lại trường học có thể triển khai ngay.

Học trực tuyến kéo dài tác động đến tâm lý học sinh

Về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định việc cho học sinh trở lại trường học là điều TP rất mong muốn, nhưng cũng phải rất cân nhắc. Trong phương án sắp tới, Hà Nội yêu cầu các trường, địa bàn đánh giá tiêu chí an toàn, từ đó sẽ thí điểm triển khai tại một số vùng đảm bảo an toàn trên địa bàn TP.

"Chúng tôi cũng mong muốn triển khai sớm nhất để cho học sinh quay trở lại trường học. Việc học sinh phải học trực tuyến tại nhà kéo dài cũng gây tác động nhất định tâm lý và tiếp nhận của học sinh", ông Dũng nói.

Tại Bình Dương với 6/9 huyện thị bước vào "trạng thái bình thường mới", 3 địa bàn còn là "vùng đỏ"; gần 200 trường học được sử dụng làm khu cách ly, khu điều trị tập trung.

Do còn những điểm đỏ trong "vùng xanh" và số ca mắc mới mỗi ngày vẫn cao, Sở GD&ĐT đã xây dựng 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch, để các nhà trường linh hoạt thực hiện. Theo đó, các "vùng đỏ" sẽ tiếp tục học trực tuyến. Vùng có nguy cơ cao học trực tuyến kết hợp trực tiếp với tỷ lệ thời lượng mỗi hình thức là 50-50%. Vùng có nguy cơ ở mức "vàng" có thể học trực tiếp 70% và trực tuyến 30%. Và "vùng xanh", học sinh sẽ tới trường học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý các tỉnh thành cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế theo từng thời điểm, từng vùng. Theo đó, xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà theo học kỳ, thậm chí là từng tháng.

Theo Hà Linh (Tiền Phong)