Riêng đường nội đô cần hơn 70.000 tỷ
Sáng 10/9, nhiều tuyến phố của Hà Nội đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng khiến lực lượng CSGT phải "căng mình" điều tiết giao thông. Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, lỗ hổng gây ra tình trạng trên là do quy hoạch dân cư chưa đồng bộ với hạ tầng giao thông.
Trao đổi về điều này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch từ năm 2004 đến nay. Trong tất cả những lần quy hoạch đều đặt ra đảm bảo hài hòa việc phân bố dân cư, phân bố không gian và quy hoạch giao thông. Gần đây nhất là quy hoạch được duyệt năm 2011, đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có xác định quy hoạch giao thông, trong đó có xác định rõ quy hoạch nào được ưu tiên và mạng lưới giao thông sẽ phải điều chỉnh như thế nào. Đây là thách thức rất lớn cho TP Hà Nội bởi lịch sử để lại cho thành phố mạng lưới đường giao thông thấp hơn rất nhiều đối với định mức những đô thị khác.
"Ví dụ, bình thường một đô thị phải có 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10%. Vì vậy, việc phát triển giao thông là nhu cầu rất lớn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Chỉ tính riêng những tuyến đường trong nội đô tính đến năm 2030 phải cần đến trên 70.000 tỷ đồng mới giải quyết nhu cầu cơ bản để hạn chế việc ách tắc giao thông. Trong khi đó, vừa thực hiện mạng lưới giao thông cho hoàn chỉnh nhưng vừa phải phát triển, phân bố dân cư. Tuy nhiên, quy hoạch trong nội đô hiện nay gia tăng vượt quá mức trong kế hoạch dự định", TS.TKS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
TS Đào Ngọc Nghiêm cũng đặt ra vấn đề, hiện nay xuất hiện tình trạng ùn tắc vùng ven, các khu đô thị mới thì tình trạng chung đó là hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông không phát triển song hành được cùng sự phát triển bên trong khu đô thị. "Ví dụ như đường Lê Văn Lương có rất nhiều chung cư, công trình cao tầng, trong khi tuyến đường không cải tạo chỉnh trang. Vì vậy hiện tượng ùn tắc giao thông là hiện tượng rõ nét nhất của Hà Nội. Đây là hệ quả của lịch sử để lại, đặc biệt thiếu sự cân đối giữa phát triển giao thông và phát triển các khu đô thị. Hay nói cách khác kế hoạch đầu tư về hạ tầng kết cấu giao thông với phát triển các khu chung cư, nhất là nhà chung cư cao tầng. Đây là vấn đề tồn tại quản lý thực hiện theo quy hoạch, thiếu sự đồng bộ giữa kế hoạch hàng năm giữa quy hoạch dẫn đến hiện tượng tắc đường. Đây là vấn đề nay mới thấy nhưng khi bàn đến hiện thực này rất nhiều cơ quan quản lý đặt ra rồi", TS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Hệ lụy từ nhà cao tầng
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nêu quan điểm: "Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là việc điều chỉnh của bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, đã phá vỡ quy hoạch ban đầu".
Trong khi đó, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cũng chỉ rõ việc cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng rồi giảm diện tích cây xanh đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất. Đây là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải v.v... ngày càng tăng.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm: "Thứ nhất, cần tập trung ưu tiên vào những mạng đường đã được nhà nước đưa ra thành dự án ưu tiên. Tuy nhiền, cần nhà nước tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội có nguồn vốn xây dựng bởi nguồn vốn vượt quá mức của Hà Nội. Thứ hai, cũng cần xem xét trách nhiệm của những chủ đầu tư trong vấn đề xây dựng, đóng góp chung vào hạ tầng. Hiện nay các chủ đầu tư chỉ biết đầu tư trong ranh giới dự án của họ mà chưa rõ trách nhiệm đối với xã hội. Phải chăng phải đổi mới cơ chế quản lý tức là vừa khuyến khích đầu tư mới các khu đô thị mới theo quy hoạch nhưng vừa đảm bảo trách nhiệm cũng như đưa ra yêu cầu đối với hạ tầng giao thông ở các vùng ven để kết nối với giao thông của Hà Nội. Theo tôi, đấy là việc phải làm".
TS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết thêm: "Hà Nội cũng cần kết nối với khu vực trung tâm nội đô bởi nội đô hiện tại đã và đang trở thành trung tâm của nhiều lĩnh vực, lượng phương tiện ra/vào rất lớn. Hiện nay, phương tiện giao thông ở Hà Nội tăng hơn 12%. Tổng lượng xe máy gần 6 triệu xe và 600.000 phương tiện ô tô chưa kể các phương tiện đặc thù khác. Lượng phương tiện gia tăng rất lớn so với các đô thị khác, trong khi đó đường giao thông triển khai có nhiều khó khăn, tăng thấp, chính vì vậy xảy ra bất cập như trên".
Nói về định hướng, TS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết, thời gian qua Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích hình thức vận tải công cộng. Ở các nước phát triển, hình thức vận tải công cộng chiếm 50%, nhưng hiện tại ở Hà Nội mới chỉ đạt 10%. Mục tiêu đến năm 2030, con số này mới tăng lên 30%.
Theo Lê Bảo (Giadinh.net.vn)