Thành uỷ Hà Nội vừa có báo cáo kết quả 5 năm thực hiện chỉ thị 11 về thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới.
Theo báo cáo, sau 5 năm thực hiện, đa phần cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân tích cực hưởng ứng chỉ thị. Bước đầu đã có sự lên án của dư luận nhân dân đối với những biểu hiện phô trương, hình thức, tốn kém, trái với thuần phong mỹ tục cũng như việc lợi dụng tổ chức cưới để trục lợi.
Đặc biệt chỉ thị đã hạn chế hiện tượng cán bộ, công chức đi dự tiệc cưới trong giờ làm việc, sử dụng các xe công đi dự tiệc cưới, nhiều cơ quan đã đưa việc tổ chức tiệc cưới văn minh vào quy chế cơ quan, chỉ tiêu đánh giá thi đua.
Báo cáo nêu những ví dụ cụ thể như: Tại huyện Đông Anh, nếu cán bộ chủ chốt mời cưới con không báo cáo cấp ủy, tổ chức mời quá số lượng người theo quy định thì đa số cán bộ, đảng viên của cơ quan huyện ủy, UBND huyện sẽ không đi ăn cỗ.
Hay tại quận Hà Đông có mô hình đám cưới dưới 40-50 mâm cỗ; nhiều quận huyện tổ chức đám cưới tập thể…
Tuy nhiên, Thành uỷ Hà Nội cũng chỉ rõ vẫn có một bộ phận cán bộ đảng viên xem thường, né tránh, không chú ý tới việc thực hiện các nội dung của chỉ thị gây dư luận không tốt trong cán bộ đảng viên và nhân dân.
Cụ thể, tại huyện Thanh Trì để xảy ra trường hợp một Phó chủ tịch UBND xã tổ chức cưới cho con đã vi phạm làm cưới vượt quá số mâm cỗ theo qui định với lý do họ hàng, hàng xóm láng giềng đông nên không giảm bớt số mâm cỗ đi được. Trường hợp này đã bị xử lý kỷ luật hình thức khiển trách về Đảng và chính quyền.
Ngoài ra, Quận ủy Hà Đông đã xử lý kỷ luật 20 cán bộ, đảng viên vi phạm quy định trong tổ chức tiệc cưới.
Tổ chức xa hoa gây bức xúc cho xã hội
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở VH-TT Hà Nội) cho hay, trong điều kiện đa số nhân dân còn khó khăn thì việc tổ chức đám cưới xa hoa lãng phí sẽ gây bức xúc cho xã hội.
Theo ông Nam, xã hội càng phát triển thì các thủ tục rườm rà càng phải bớt đi, con người sống với nhau phải có sự chia sẻ và nhân ái hơn.
"Chính vì vậy cần phải nghiêm túc chấn chỉnh hiện tượng cán bộ, công chức tổ chức tiệc cưới xa hoa gây lãng phí”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, trong quá trình thực hiện chỉ thị 11 cũng có thể có sự phản ứng, nhưng phản ứng đó chỉ là góc độ cá nhân, chứ không phải vì cái chung của toàn xã hội.
Ông Nam lấy ví dụ: "Nếu như ở một sở ngành có từ 2.000 - 3.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mà thủ trưởng đơn vị tổ chức đám cưới cho con mà mời tất cả thì gây khó khăn cho cả người đi dự cưới. Nếu mời thêm trong hệ thống chính quyền TP và cơ quan TƯ… thì lượng khách sẽ nhiều đến thế nào”.
Theo ông, cán bộ, công chức bình thường của TP đa phần thực hiện nghiêm chỉ thị vì không có điều kiện để tổ chức tiệc cưới hoành tráng. Còn cán bộ thuộc diện Thành uỷ quản lý nếu tổ chức đãi tiệc cưới ở 2-3 nơi, làm hoành tráng thì sẽ bị xử lý.
Theo Chỉ thị 11, cán bộ, công chức tổ chức cưới cho con hoặc bản thân không mời quá 300 người dự tiệc (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức chung khách mời không quá 600 người), không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, không mời khách trong giờ làm việc.
Đặc biệt, cán bộ không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ, công chức, như khách sạn năm sao, khu du lịch cao cấp…
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)