Hà Nội: Cấm xe máy là “chăm lo” cuộc sống bền vững người dân(!)

17/06/2017 06:08:00

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, việc quản lý phương tiện cá nhân, trong đó có nội dung cấm xe máy hoạt động trong nội thành vào năm 2030 là để chăm lo cuộc sống bền vững người dân.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, việc quản lý phương tiện cá nhân, trong đó có nội dung cấm xe máy hoạt động trong nội thành vào năm 2030 là để chăm lo cuộc sống bền vững người dân.

Đủ căn cứ pháp lý cấm xe máy trong nội đô

Dự thảo đưa ra 6 giải pháp (lồng ghép cả biện pháp hành chính lẫn kinh tế) để quản lý chất lượng và số lượng phương tiện giao thông theo lộ trình từ nay đến 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ đưa quy định tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, cấm các loại xe cũ nát hoạt động, đặc biệt là lên lộ trình cấm xe máy trong nội đô vào năm 2030.

Cho ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Hội luật gia TP.Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến muốn đơn vị liên quan làm rõ căn cứ pháp lý để Hà Nội cấm lưu hành xe máy cũ nát và đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động tại khu vực các quận nội thành.

Ông Tô Anh Tuấn - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho ý kiến đề án hạn chế phương tiện cá nhân

Ông Tô Anh Tuấn - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho ý kiến đề án hạn chế phương tiện cá nhân

“Nếu cấm xe máy vào nội thành thì người dân đi xe máy từ nội thành ra ngoại thành thế nào?”, Chủ tịch Hội luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đặt vấn đề.

Trước băn khoăn trên, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ năm 2015 đến nay, đơn vị này được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng đề án. Đến nay, thành phố đang đưa Nghị định ra lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân.

Về căn cứ pháp lý để thu hồi xe máy cũ, ông Viện dẫn Quyết định 49 (ngày 1/9/2011) của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy.

“Hiện Bộ GTVT đang nợ Chính phủ tiêu chuẩn này. Đây là căn cứ để thu hồi xe máy cũ, không đảm bảo điều kiện hoạt động”, ông Viện nói và cho biết, từ nay đến năm 2020 Hà Nội sẽ tiến hành rà soát xe máy cũ, sau đó sẽ đề xuất với Bộ GTVT về nội dung này.

Về căn cứ cấm xe máy tại khu vực nội thành vào năm 2030, ông Viện lý giải thẩm quyền tổ chức giao thông là của Chủ tịch UBND TP Hà Nội theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật giao thông đường bộ.

“Cho đi ở tuyến phố nào, khu vực nào, đi vào thời điểm nào… là thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nên việc chúng ta dừng hoạt động của xe máy ở trong các quận nội thành là phù hợp với quy định pháp luật, là thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND TP”- Giám đốc Sở GTVT nói.

Cấm xe máy vì đại bộ phận người dân?

Ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội nhưng chuyên gia giao thông Trần Thị Kim Đăng (trường Đại học GTVT) nhận định, việc này rất khó làm. “Về lý thuyết, cấm xe máy phải có giao thông công cộng thay thế chứ không thể nói cấm thì anh phải đi bộ” - bà Trần Thị Đăng nói.

Theo bà Đăng hiện các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố phân bố rất xa nơi người dân ở, trong khi thói quen đi bộ của người dân hiện tại, người già dưới 1 km, người trẻ khoảng 200m, khác với người phương Tây, trung bình khoảng 2 km.

Vì vậy, theo bà Đăng, Hà Nội cần phải tính việc phát triển giao thông công cộng, phân bố điểm nút, nhà chờ giao thông hợp lý. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần khảo sát, điều tra đầy đủ về thực trạng giao thông của thành phố, từ đó đưa ra lộ trình cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng kế hoạch trên là vì cuộc sống bền vững người dân

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng kế hoạch trên là vì cuộc sống bền vững người dân

Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, dự thảo dường như đặt nặng việc “cấm đoán” hơn là đưa ra giải pháp.

Theo ông Tuấn, thành phố phải đưa vào nghị quyết giải pháp tập trung phát triển giao thông công cộng sau đó mới đề cập đến việc hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy. “Nghị quyết không nói làm thế nào để phát triển vận tải công cộng mà chỉ thấy cấm đoán nhiều” - ông Tuấn đánh giá.

Đối với lộ trình dừng hoạt động xe máy tại nội thành vào năm 2030, ông Tuấn nhận định, đây là việc quá nóng vội. Theo ông Tuấn kế hoạch dừng hoạt động xe máy tại nội thành không thể gắn với một năm cụ thể mà phải gắn với kết quả phát triển của giao thông công cộng đến mức nào, gắn với kết quả đạt được về hạ tầng giao thông.

Do vậy, theo ông Tuấn kế hoạch cấm xe máy vào năm 2030 là không có cơ sở. Ông Tuấn đề nghị nội dung cấm xe máy tại nội đô nên xây dựng một đề án riêng để nghiên cứu thật kỹ càng trong đó có phải trả lời được câu hỏi “cấm xe máy thì người dân đi phương tiện gì?”.

Kết lại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch là nhằm phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đây là quyết định để chăm lo cuộc sống bền vững của người dân Thủ đô chứ không chỉ là quản lý một vài chiếc xe máy…

“Chúng ta làm cái này là làm cho đại bộ phận nhân dân chứ không phải làm cho một số người”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ.

Theo Quang Phong (Dân Trí)