Khốn khổ vì giá điện cao
Vừa qua UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn số 3343/UBND-KT về việc tăng cường thực hiện chỉ thị số 08/CT - UBND ngày 09/04/2013 của UBND TP về việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các điểm cho thuê nhà ở. Qua khảo sát sơ bộ tại khu vực các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng cho thấy, hiện nay trung bình giá điện tính cho người thuê trọ vẫn giao động từ 4.500-5.000 đồng/kWh, đắt gấp 1,5- 2 lần giá bán lẻ điện ở bậc thang cao nhất theo quy định của Nhà nước.
Em Nguyễn Thị Liễu, thuê trọ tại ngõ 20 Hồ Tùng Mậu cho biết: “Giá điện nhà trọ chỗ em thuê gần 3 năm nay vẫn ở mức 4.500 đồng/kWh. Sinh viên như chúng em các thiết bị tiêu thụ chỉ có 1 bóng đèn, 1 cái quạt, 1 cái tủ lạnh nhỏ mà tháng nào cũng trăm nghìn tiền điện”.
Liễu cho biết, tiền điện, nước luôn cao bất thường so với giá nhà nước nhưng không dám phản ảnh. Tìm nhà trọ gần trường không dễ, nếu phản ánh chủ nhà trọ sẽ kiếm cớ, làm khó dễ không cho ở nữa phải đi tìm phòng trọ thì sẽ rất vất vả.
Cùng chung cảnh ngộ là anh Đặng Đình Tiến (thuê trọ trong ngõ 322 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm). Anh Tiến đang phải trả tiền điện cho chủ nhà trọ 5.000 đồng/kWh. “Phòng tôi 3 người đều là công nhân xây dựng cả ngày đi công trình tối mịt mới về nhà, ít khi phải nấu nướng. Phòng tôi không có điều hòa, không tủ lạnh, chỉ thắp sáng và quạt nhưng tháng nào cũng hết hơn 300.000 tiền điện”, anh Tiến chia sẻ.
“Tôi đang tính tìm nhà trọ xa khu vực trung tâm Hà Nội để giảm chi phí thuê nhà nhưng sợ mất thời gian di chuyển nên đành “cắn răng” chấp nhận giá điện sinh hoạt cao. Dù biết rõ chủ trọ đang tính cho mình là giá điện kinh doanh chứ không phải giá điện sinh hoạt hộ gia đình”, Anh Tiến bày tỏ.
Hiện nay trên toàn TP Hà Nội nói chung, bên cạnh giá nước sinh hoạt cao, thì giá điện lâu nay vẫn là áp lực đối với người thuê trọ. Bởi lẽ hai khoản chi này thường lên đến hơn nửa triệu đồng/tháng/phòng trọ. Trong khi đó, đối tượng thuê trọ chủ yếu là người có mức thu nhập thấp hoặc đang sống phụ thuộc vào gia đình.
Chủ trọ “lách luật”
Thời gian gần đây, để thực hiện quyết định của UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành (Công văn số 3343/UBND-KT) về việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các điểm cho thuê nhà để ở, chính quyền địa phương trên địa bàn đều chấn chỉnh lại việc thu tiền điện tại các nhà trọ. Tuy nhiên, khá nhiều chủ trọ bất chấp quy định vẫn cố tình thu tiền điện giá cao. Để né quy định trên thì đa số các chủ trọ sẽ tăng tiền nhà trọ và các chi phí phát sinh khác lên để bù lại giá điện ban đầu.
Em Nguyễn Tấn Sinh (sinh viên trường Đại học GTVT), đang trọ tại khu vực Chùa Láng cho hay: “Sau khi biết được qua một số kênh thông tin đài báo quy định rằng người thuê trọ có quyền lập thành nhóm để được mua điện theo giá nhà nước. Nhất là việc vừa qua EVN vừa phát đi thông cáo báo chí liên quan tới chính sách giá điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở, nhiều chủ trọ đã tìm cách lách”.
Trong đó, đối với trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) sẽ được cấp định mức hoặc áp 01 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ). Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Nắm được thông tin trên cả xóm trọ của Sinh đã bàn bạc đề xuất với các chủ nhà trọ giảm giá điện. Cụ thể cứ nhóm 4 người thành một hộ gia đình, dùng chung 1 đồng hồ điện, qua đấu tranh với chủ nhà trọ, nhóm của Sinh đã gọi đến số hotline 19006768 (EVN Hà Nội). Cuối cùng chủ nhà trọ ở đây đã phải chịu nhượng bộ, giảm từ 4.500 - 5.000 đồng/số điện xuống còn 2.300 đồng/số. Tính cả dãy trọ hơn 20 phòng nhân lên số tiền chênh lệch mà bấy lâu nay rơi vào túi của chủ nhà trọ không hề nhỏ.
Tuy nhiên theo anh Sinh, niềm vui của anh và những người trong nhóm trọ “chẳng tày gang”. “Ngay trong tháng sau chủ nhà ra thông báo tăng tiền nhà bình quân mỗi phòng lên 200.000 đồng/tháng các khoản nước vệ sinh, dịch vụ cũng được tăng thêm 20%. Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải chấp nhận vì không muốn di chuyển nơi trọ, rất bất tiện, trong khi và khu vực này gần trung tâm các trường đại học nên nhu cầu thuê trọ lúc nào cũng rất cao”.
Thực tế hiện nay, tình trạng sinh viên, người thuê trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh khá phổ biến. Theo tìm hiểu của PV căn nguyên chủ yếu là do các yếu tố như: Chưa cập nhật nắm bắt được thông tin kịp thời và công khai các điều khoản thỏa thuận hợp đồng ban đầu khi đi thuê nhà. Để xử lý triệt để vấn đề này không người thuê trọ không nên “ngồi im” trông chờ động thái từ cơ quan chức năng mà chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để “vạch trần” các chiêu trò từ phía chủ nhà trọ muốn “neo” giá điện cao, để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho chính mình.
Theo ông Nguyễn Phùng Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô (Nam Từ Liêm) cho biết thực hiện quyết định của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các điểm cho thuê nhà. Trên địa bàn phường quản lý đã tiến hành kiểm tra rà soát tình hình giá điện tại các địa điểm cho thuê trọ theo quy định của nhà nước, đa phần các chủ trọ về cơ bản chấp hành khá tốt. Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng việc người lao động và sinh viên có phản ánh tình trạng chủ nhà trọ tăng các khoản chi phí khác, UBND Phường không thể can thiệp được. Vì cả thuê nhà và các dịch vụ khác là thỏa thuận cá nhân giữa người đi thuê và các chủ nhà trọ.
Theo Nguyễn Hiếu (Gia đình & Xã hội)