"Tiền mất, không được về nhà , tôi đau khổ lắm"
Gần 1 tháng nay, người dân ở làng Châu Mai (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) dường như chẳng đêm nào được ngủ một giấc sâu, ban ngày mọi người cũng chẳng muốn làm việc gì, vì toàn bộ số tài sản của nhiều gia đình trong làng có trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng có nguy cơ mất trằng vì vỡ hụi, “lốc” phường.
Ngày 17/12 khi chúng tôi về ngôi làng Châu Mai, từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng là những lời bán tán xôn xao, trên gương mặt những người trung tuổi, rồi cả những cụ già ai cũng tỏ vẻ lo lắng.
Dừng lại giữa ngã ba làng Châu Mai, hỏi về câu chuyện vỡ hụi mà dư luận đang bàn tán xôn xao, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Ở cái làng này nóc nhà nào cũng có người liên quan đến việc vỡ hụi. Bố mẹ không mất thì con mất, con không mất thì anh em mất…”.
Vừa nói dứt câu, người phụ nữ lớn tuổi chỉ về phía xa, nơi đang có người đội nón, đạp chiếc xe cọc cạch tới và nói: “Như nhà chị Sam kia là khổ nhất làng, bị mất 600 triệu giờ cứ về nhà là chống đánh, chồng đuổi. Ở đây ai cũng thương bà ấy, hơn 50 tuổi mà đầu bạc trắng chỉ vì nghĩ đến tiền bị mất. Hôm trước, bà ấy ra đây ngồi chơi từ sáng đến tận tối, bảo ăn cơm nhà tôi nhưng lắc đầu. Tôi cũng động viên bà ấy không nên suy nghĩ nhiều vì tiền mất đã mất rồi, giờ họ gán ruộng thì cứ nhận để làm”.
Khi trực tiếp gặp và nói chuyện với bà Sam, chúng tôi có thể nhìn thấy rõ gương mặt khắc khổ của bà, ánh mắt đỏ hoe và mái tóc đã bạc trắng dù mới ở tuổi 50. Bà Sam cho biết, bà chơi hụi chỗ chị Quách Thị Phượng (SN 1982, người cùng làng) hơn 600 triệu. Sau khi biết tin vỡ hụi bà Sam đã đến đòi số tiền trên nhưng chị Phượng không trả.
“Khi biết tin, nhà tôi cứ đuổi đánh tôi suốt đốt hết cả quần áo, tôi phải đi lang thang cả ngày, cả đêm không có chỗ về. Thật sự, giờ tôi mệt mỏi lắm rồi, tiền mất, nhà cửa không về được. Tôi đau khổ lắm", bà Sam nói.
Theo chia sẻ của bà Sam, sau nhiều ngày săn đón, gào khóc trước cửa nhà chị Phượng đến nay chủ hụi đã đồng ý ký vào giấy tờ gán 2 sào ruộng cho bà, đồng thời nói đang rao bán nhà và sẽ trả sau. “Nói vậy, chứ không biết bao giờ chị ta mới trả, đó là số tiền tôi tích cóp cả đời, rồi cả tiền các con tôi nữa. Vậy là mất hết rồi”, bà Sam vừa nói, vừa khóc.
Cụ Mượn vừa khóc, vừa kể lại câu chuyện mất tiền của mình. |
Cầm 210 triệu, trả 239 nghìn
Rời khu vực trung tâm làng Châu Mai, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hoàng Thị Mượn (86 tuổi), một trong số những người già nhất làng bị mất tiền sau khi chợi hụi, chơi phường.
Tại ngôi nhà đã cũ, khi chúng tôi hỏi chuyện cụ Mượn khóc nấc lên từng tiếng và nói không nên câu: “Tôi có vài đồng gửi vào đó mong lấy ít lãi ăn hàng ngày và để dưỡng già. Giờ thì dưỡng gì nữa”.
Theo chia sẻ của cụ Mượn, toàn bộ số tiền 210 triệu đồng bà dồn vào nhà chị Phượng là tiền tích cóp cả đời của bà, đó là tiền các con mừng tuổi bao năm, rồi tiền bà phải đi bán từng rổ rau dền mới có được, vậy mà chỉ qua một đêm đã trắng tay.
“Hôm nào tôi cùng ra đó khóc lóc, van xin họ trả lại tiền mà họ có trả đâu. Sáng nay, tôi bảo tôi hết sạch tiền không còn gì để ăn thì họ đưa cho tôi 239 nghìn đồng. Họ bảo cả nhà chỉ còn bất nhiêu thôi. Tôi cầm mà đau sót quá”, cụ Mượn nói.
Cũng có hoàn cảnh đáng thương không kém cụ Mượn, gia đình anh Hoàng Như Bền và chị Hoàng Thị Nghị đang làm dở ngôi nhà cũng phải dừng lại vì thiếu tiền.
Bà Đào Thị Phơn (64 tuổi, mẹ anh Bền) chia sẻ: “Con tôi bị câm điếc từ nhỏ, hàng ngày đi làm thuê nhặt từng đồng. Còn con dâu tôi thì đi nhặt đồng nát, tháng nào kiếm được may ra được 2 triều đồng.
Nhưng muốn gửi vào 1 mối để có tiền ra tấm ra món dựng lại nhà, cửa giờ thì chẳng còn gì, ngôi nhà đang xây dở móng cũng phải dừng lại vì không lấy được tiền về”.
Bà Phơn cho biết, tổng số tiền con bà còn đọng lại ở nhà chị Phượng là 90 triệu tiền gốc, tính cả lãi là hơn 100 triệu đồng. “Có những tháng không kiếm đủ tiền đóng phường, con dâu tôi phải chạy vay từng đồng một để nộp cho đúng hạn, giờ thì nợ nần chồng chất”, bà Phơn nói.
Ngoài những gia đình như nhà bà Phơn, cụ Mượn hay bà Sam, theo tìm hiểu của chúng tôi có gia đình ở nơi đây còn mất tới cả tỷ đồng vì vỡ hụi.
Giờ đây, những người dân mất tiền vì chơi phường, chơi hụi ở làng Châu Mai, chẳng ai muốn chủ phường đi tù, vì đi tù là họ sẽ mất tất số tài sản đó. “Tôi chỉ mong cơ quan chức năng vào điều tra xem số tiền hàng chục tỷ đó họ đã tẩu tán ở đâu, và mang về trả cho chúng tôi” - cụ Mượn nói, và đó cũng là mong muốn của nhiều người dân làng Châu Mai lúc này.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu - ông Nguyễn Quang Tuấn xác nhận có sự việc ở địa phương và đang được Công an huyện Thanh Oai điều tra theo đúng thẩm quyền.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)