40 năm qua, gia đình ông Hải gồm 2 thế hệ đã cùng sinh sống ngay trên nóc nhà vệ sinh công cộng tại phố Hàng Bạc (Hà Nội). Căn nhà kỳ lạ của gia đình ông chỉ vỏn vẹn 8m2, được che chắn bởi các tấm tôn hoen gỉ và mùi xú uế bốc lên nồng nặc những ngày nóng bức.
Đó là ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ 107 phố Hàng Bạc, Q.Hoàn Kiếm của của ông Nguyễn Phùng Hải (82 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Xâm (67 tuổi). Ngôi nhà kỳ lạ ấy có đến 2 thế hệ, bốn nhân khẩu cùng sinh sống.
Ngõ 107 đường dẫn vào hộ gia đình nhà ông Hải. |
“Trước đây trong ngõ này chỉ có một mình gia đình tôi ở, dần dần có thêm mấy hộ nữa về đây sinh sống. Đất ở dưới người ta ở hết rồi nên năm 1975 còn có mình tôi, thấy nóc nhà vệ sinh công cộng này có thể tận dụng để ở được thì tôi dọn lên đây rồi lấy vợ và sinh con ở đây luôn”, ông Nguyễn Phùng Hải kể về “lịch sử” của căn nhà lạ lùng này.
"Ngôi nhà" chênh vênh tạm bợ trên nóc nhà vệ sinh công cộng |
Đã hơn 40 năm kể từ ngày ông Hải chuyển lên sinh sống, nóc nhà vệ sinh công cộng 8m2 ấy được quây lại tạm bợ bởi những tấm tôn, lâu dần bị hoen gỉ tạo thành những lỗ thủng nhỏ.
Chỉ vào bức vách thủng bằng tôn ấy, bà Xâm vui vẻ nói đùa: “Các cô chú thấy nhà tôi giống khách sạn ngàn sao không? Ngồi trong nhà ban ngày cũng thấy sao”.
Bức vách bằng tôn mỏng cũng thủng lỗ chỗ khiến ngôi nhà chẳng khác nào cái "chuồng chim". |
Bước vào ngôi nhà trên nóc nhà vệ sinh này, chúng tôi không khỏi rùng mình bởi cảm giác chênh vênh. Bức vách mỏng tang , tăm tối và xập xệ, những vệt sơn tường loang lổ. Chỉ rộng chừng 8m2, từ cửa cho đến bên trong căn nhà, đâu đâu cũng chất đầy các đồ đạc từ nồi xoong, bát đĩa cho đến quần áo, quạt điện…
Đồ đạc bên trong chỉ vỏn vẹn chiếc tủ, ti vi và cái quạt nhưng cũng choáng hết không gian của ngôi nhà 8m2 này rồi. |
Được biết bà Xâm quê ở La Phù (Hoài Đức). Lấy ông Hải, bà theo ông sinh sống ở nơi đây. Hiện giờ, vợ chồng ông Hải đang ở cùng hai người con, người con trai đầu sinh năm 1989 đang là kỹ sư điện tử, còn cô con gái sinh năm 1993 làm thủy sản.
Đôi khi cuộc sống quá bí bách, chật chội, bà cũng nghĩ về một ngôi nhà rộng rãi, thoải mái hơn. Nhưng bà tuổi già sức yếu chỉ ở nhà phụ cơm nước cho gia đình, còn ông Hải làm bơm xe ở đầu ngõ kiếm cũng chả được là bao nên việc tự chuyển đi là điều không tưởng đối với gia đình bà.
Chỉ lên mái nhà, bà Xâm ngậm ngùi: “Ở đây, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Cứ trời mưa là rầm rầm, ù tai. Cậu con trai tôi năm nay gần 30 rồi, cũng phải lấy vợ sinh con, lương của nó thì 3 cọc 3 đồng, cha mẹ già yếu có làm được cái gì ra tiền để cho nó chuyển đi nơi khác đâu. Chúng tôi ở đây chỉ mong thành phố sớm có chính sách cải tạo căn nhà này, hoặc di chuyển đến đâu chúng tôi cũng chấp nhận, ở nhà như thế này khổ quá”.
Mặc dù sống trong sự chật chội, bất tiện nhưng ông Hải vẫn giữ được nét điềm đạm của người Hà Nội. Ngoài thời gian đi làm bơm, vá xe ở đầu ngõ, ông Hải còn sáng tác thơ để cuộc sống bớt mệt mỏi. |
Ngôi nhà cổ trong ngõ 107 Hàng Bạc hiện có tất cả 6 hộ gia đình và hơn chục người đang sinh sống, dùng chung khu công trình phụ ở đây.
Vốn nằm trên nóc của nhà vệ sinh tập thể này, cho nên gia đình nhà ông Hải “hưởng” đủ mùi xú uế, nhất là mỗi khi nắng nóng, mùi bốc lên xộc vào mũi đến nhức hết cả đầu óc, chuột bọ sục sạo cả đêm.
Nhà vệ sinh công cộng mặc dù đã được cải tạo hiện đại hơn nhưng vẫn không tránh khỏi mùi xú uế và xuống cấp theo thời gian. |
Theo ông Hoàng Thạch Tâm, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc: “Kế hoạch giãn dân khu phố cổ của UBND thành phố Hà Nội đã được xây dựng từ lâu. Tuy nhiên vấn đề đền bù, người đi người ở vẫn đang là một bài toán nan giải”.
Theo T.Linh (Thời Đại)