Chiều 12/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện để tiếp tục các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Liên quan đến bệnh nhân 867, đại diện huyện Thanh Trì cho biết, ngay khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng của huyện đã thức trắng đêm truy vết F1, 2. Từ đó, huyện xác minh được 15 F1, đều đã được đưa đi cách ly tập trung. 14/15 mẫu đã âm tính, một trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả. Huyện cũng tiếp tục điều tra 8 F2 và các trường hợp tiếp xúc gần.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, bệnh nhân đã từng đến khám 2 bệnh viện ở Hà Nội, lịch trình đi lại phức tạp nên rất khó xác định thời điểm lây nhiễm.
TS Trần Đắc Phu, chuyên gia của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhận định, cần làm rõ bệnh nhân 867 bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội.
"Ca bệnh này rất đáng lo ngại. Tôi đề nghị Hà Nội cần tập trung phòng chống dịch trong các cơ sở y tế, đồng thời chú ý phòng dịch ở các trung tâm dưỡng lão", ông Phu cảnh báo.
Về việc liên tiếp có các ca bệnh mới liên quan đến bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm túc hơn quy trình phòng chống dịch.
Ông Hiền dẫn chứng, như bệnh nhân 867 khi đi khám được chẩn đoán viêm phổi rồi cấp thuốc cho về là rất nguy hiểm.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết theo điều tra ban đầu, bệnh nhân không có mối liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh. Từ khi vào bệnh viện thăm khám, ông được quản lý chặt chẽ, xét nghiệm lần đầu tại bệnh viện âm tính, vì vậy, khả năng lây lan ra cộng đồng trước đó cũng sẽ hạn chế.
Như vậy, từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 30 ca bệnh, trong đó 8 ca trong cộng đồng và 22 ca nhập cảnh từ các khu vực cách ly tập trung.
Theo Minh Nhân (Nhịp Sống Việt)