Cán bộ đi vận động người dân “nhường” tiền hỗ trợ?
Những ngày qua, PV Người Đưa Tin Pháp luật liên tục nhận được phản ánh của hàng chục hộ dân tại Đắk Lắk, về việc được cấp giấy chứng nhận hộ cận nghèo nhưng không được nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4 của Chính phủ. Sự việc không chỉ gây xôn xao dư luận tại địa phương mà còn khiến nhiều hộ dân bức xúc.
Ông Hoàng Văn Đàn, SN 1967, trú tại thôn 6D, xã Cư Elang lý giải, gia đình ông được công nhận là hộ cận nghèo tại địa phương từ năm 2018-2020. Tuy nhiên, khi chi trả gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ chỉ có mẹ của ông là bà Trương Thị Phẩy (SN 1922, mẹ liệt sĩ) được nhận số tiền 1,5 triệu đồng. Tám thành viên còn lại trong gia đình ông đến nay không nhận được tiền hỗ trợ. Sau đó, gia đình ông Đàn lên xã hỏi thì được trả lời, gia đình không có trong danh sách nhận tiền. “Sự việc này khiến người dân chúng tôi rất bức xúc và mong muốn các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra lại nguyên nhân vì sao gia đình tôi được cấp chứng nhận hộ cận nghèo nhưng không được nhận tiền hỗ trợ như những hộ khác”, ông Đàn thắc mắc.
Không riêng gì hộ ông Đàn, gia đình ông Ngụy Văn Bắc, trú thôn 6B, xã Cư Elang cũng thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định từ năm 2019-2020 nhưng không được nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Chon, SN 1981, trú thôn 6B, xã Cư Elang còn phản ánh: “Cách đây khoảng 2-3 tháng, 1 cán bộ trưởng thôn và 1 cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã vào nhà tôi. Họ bảo chồng tôi ký vào một tờ giấy gì đó. Vì không rành chữ nghĩa nên chồng tôi không biết nội dung trong tờ giấy đó là gì. Sau khi chồng tôi ký xong, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã nói ký vào tờ giấy đó thì không được nhận tiền hỗ trợ nữa”.
Bên cạnh đó, nhiều hộ cận nghèo trên địa bàn xã Cư Elang còn cho biết, được cán bộ vận động “nhường” tiền hỗ trợ Covid-19 cho những hộ khó khăn hơn. Bà Nông Thị Luyến, trú tại thôn 6B, xã Cư Elang kể: “Cách đây khoảng 2 tháng, cán bộ xã và thôn nói gia đình tôi có danh sách cận nghèo. Tuy nhiên, chính phủ rót ra là để dành cho những hộ nghèo và hộ đặc biệt khó khăn. Do đó, họ đề nghị gia đình tôi “nhường” lại số tiền hỗ trợ Covid-19 cho những hộ khó khăn. Nghe vậy, tôi và chồng đồng ý ký vào. Nhưng không hiểu sao nhiều nhà ký giấy như tôi, thậm chí có điều kiện khá giả, giàu có hơn chúng tôi vẫn được nhận tiền”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Bàn Xuân Ý, SN 1970, trú tại thôn 6B, xã Cư Elang chỉ rõ: “Gia đình tôi được xác nhận hộ cận nghèo từ năm 2018-2020. Vào khoảng tháng 6/2020, có 4 cán bộ gồm: ông L.V.T (cán bộ xóa đói giảm nghèo xã), ông N.T.S (Phó Chủ tịch UBND xã Cư Elang), ông T.C.B (Trưởng thôn 6B) và ông N.V.X (cán bộ mặt trận thôn) đến nhà khuyên gia đình tôi không nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Họ nói, gia đình tôi khá giả hơn nên “nhường” tiền hỗ trợ cho những hộ khó khăn hơn. Sau đó, họ đưa tờ giấy in sẵn nội dung cho tôi ký. Vì tin tưởng cán bộ nên tôi đã ký vào tờ giấy này”, ông Ý kể lại.
Đến khoảng 23/8, khi nắm được thông tin chi trả tiền hỗ trợ 62 nghìn tỷ, ông Ý ra xã kiểm tra thì phát hiện nhiều vấn đề bất cập. Ông Ý bức xúc: “Danh sách phê duyệt chi trả tiền 62 nghìn tỷ, có rất nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn gia đình tôi nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ, trong khi nhiều hộ khó khăn hơn chúng tôi lại không được nhận. Điều này cho thấy, việc “nhường” tiền hỗ trợ của chúng tôi đã không đến tay người khó khăn hơn như các cán bộ xã, thôn nói”.
Tương tự, bà Trương Thị Hai, trú xã Cư Elang cũng phản ánh, được cán bộ xã, thôn vào nhà vận động “nhường” lại tiền hỗ trợ Covid-19 cho những nhà khó khăn hơn. “Do tôi không biết chữ nên các cán bộ này viết vào giấy rồi đưa cho tôi ký từng nét. Thực tế, tôi cũng không đọc được nội dung tờ giấy mình đã ký. Chúng tôi đồng ý nhường tiền nhưng phải biết số tiền mình đã nhường được hỗ trợ cho ai và người được hưởng đó có thật sự khó khăn như những cán bộ đi vận động nói hay không", bà Hai giãi bày.
Ngoài ra, theo thông tin mà PV nhận được, còn có hàng chục hộ dân khác sinh sống tại các thôn, buôn như: thôn 6D, thôn 6B, buôn Vân Kiều,... xã Cư Elang cũng có những phản ánh tương tự như nói trên. Cho rằng, việc rà soát, chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 chưa được công bằng, minh bạch, người dân tại xã Cư Elang đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc làm rõ và tiến hành chi trả theo đúng tinh thần của Nghị quyết 42.
Mặt khác, có những hộ cận nghèo nằm trong danh sách đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn không nhận được tiền hỗ trợ Covid. Giải thích về điều này, ông Trương Văn Bằng, SN 1967, trú tại thôn 6B cho hay, gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo từ năm 2019 đến nay. Vợ mất, một mình ông phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi con nhỏ. Khi ông ra xã thì thấy tên trong danh sách được hưởng 3 triệu đồng/4 khẩu tiền hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền.
Lãnh đạo xã nói gì?
Liên quan đến những bức xúc của người dân, ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cư Elang thông tin, quá trình thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, Xã thực hiện rà soát theo đúng quy trình của Nhà nước. “Trong trình rà soát, Xã thành lập đoàn khảo sát hộ nghèo, cận nghèo và thực hiện theo quy trình. Theo đó, thôn cùng địa phương đi rà soát và gửi danh sách lên xã. Sau đó, xã sẽ tổng hợp, gửi lên huyện, rồi huyện gửi lên tỉnh, chứ không phải chúng tôi thích cho ai vào thì cho. Trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ, chúng tôi đã nhận được kiến nghị của một số hộ dân và đang chỉ đạo rà soát để trả lời cho công dân”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho hộ cận nghèo cho người dân trên địa bàn xã vẫn chưa thực hiện xong do một số vướng mắc về hộ khẩu, tạm trú... Khi PV đặt câu hỏi về việc có hay không một Phó Chủ tịch và cán bộ xóa đói giảm nghèo xã xuống phối hợp với cán bộ thôn đi vận động nhiều hộ dân không nhận tiền hỗ trợ và nhường lại cho người khó khăn hơn, ông Thanh khẳng định: “Không có vấn đề vận động. Trong quá trình rà soát, có những hộ dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ chứ xã không chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân”.
Liên quan đến việc nhiều người dân thắc mắc, vì sao họ có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ nhưng thực tế không được nhận tiền, một lãnh đạo xã Cư Elang lý giải: “Danh sách hộ nghèo, cận nghèo có 2 loại danh sách. Cụ thể, danh sách từ thôn gửi lên chỉ là danh sách nháp thôi, vì còn chỉnh sửa, sai sót, trùng tên. Do đó, danh sách chính thức phải được cán bộ thôn ký nháy vào từng tờ, rồi các hộ nghèo, cận nghèo xác nhận vào. Sau đó, cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo ký nháy, chốt danh sách, xã đóng dấu gửi đi huyện và khi có phê chuẩn huyện gửi về mới là danh sách chính thức. Còn danh sách mà người dân cung cấp là danh sách không được kiểm chứng, không có giá trị pháp lý, không có con dấu...”.
Theo Khánh Ngọc (Nguoiduatin.vn)