Giữa Thủ đô: 2, 3 tháng không dám ăn rau vì thiếu nước rửa

01/02/2016 10:26:32

Thiếu nước sinh hoạt người dân tại Khu Tập thể Ban Cơ yếu Chính phủ phải hạn chế ăn rau để tốn ít nước rửa, tắm phải ngồi trong chậu để tận dụng nước thừa. Thậm chí, có hộ đã phải bán nhà, chuyển đi nơi khác.

Thiếu nước sinh hoạt người dân tại Khu Tập thể Ban Cơ yếu Chính phủ phải hạn chế ăn rau để tốn ít nước rửa, tắm phải ngồi trong chậu để tận dụng nước thừa. Thậm chí, có hộ đã phải bán nhà, chuyển đi nơi khác.

Từ tháng 9/2015, cuộc sống của hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại Khu Tập thể Ban Cơ yếu Chính phủ (Đống Đa, Hà Nội) “lao đao” vì thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Được biết, nước không mất hẳn nhưng chảy rất chậm và lượng nước ít không đủ dùng cho 105 hộ dân của khu tập thể. Đến nay, những ngày cận Tết nguyên đán, tình hình vẫn chưa được giải quyết.

Chị H., người bán đồ ăn sáng trước cổng khu Tập thể, than vãn: “Từ sáng sớm tôi chân đau vẫn phải dậy xách nước lên tầng để dùng đánh răng, rửa mặt... Trời rét thế này nhưng tối nào 3 đứa con tôi cũng phải dắt díu sang nhà bác để tắm giặt. Các con sang nhà bác tắm giặt về nhà đã hơn 9h tối ảnh hưởng rất lớn đến lịch sinh hoạt, học tập của các cháu”.
 

Thùng nước đục ngầu vẫn được gia đình giữ lại để lau nhà, dội nhà vệ sinh

Tương tự, 10 người lớn và trẻ em trong gia đình ông Phùng Văn Huấn (tầng 5) phải sang cơ quan cũ là Ban Cơ yếu chính phủ xách nước về dùng. Vợ ông Huấn chia sẻ: “Trời rét thế này gia đình vẫn phải giặt tay vì nước không đủ để giặt máy giặt, chúng tôi cũng chủ động giặt tay để giữ lại nước dùng việc khác”.

Ông Huấn nói, tổ dân phố 51 từ các năm trước đã góp tiền mua 1 máy bơm lớn để hút nước từ đường ống vào bể lớn của cả khu tập thể (khoảng 100m3). Ngoài ra nhiều hộ gia đình cũng chủ động mua máy bơm nhỏ để hút nước từ bể lớn lên các tầng nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Gia đình ông cũng sắm một máy bơm cá nhân với giá khoảng 1,2 triệu để hút được một khối lượng nước nhỏ “cầm cự” qua ngày. Những gia đình không có máy bơm riêng thì không có giọt nước nào để dùng.

Theo ông Huấn, họ đành phải đi ăn cơm bụi ngoài quán, tắm giặt thì ra nhà nghỉ.

Các hộ dân ở đây phải tận dụng từ nước vo gạo, nước rửa rau, nước rửa bát…để lau nhà, dội nhà vệ sinh. Họ không dám mua rau lá như rau cải, rau cúc, xà lách…mà chỉ mua các củ như bí, su hào, su su, cà rốt…bởi mua rau lá rửa rất tốn nước. Bên cạnh đó rau lá rửa xong nước có nhiều cặn dội nhà vệ sinh hay bị tắc.

Thậm chí lúc tắm, người lớn còn phải mua một chậu to đứng hẳn vào đấy để dội nước. Nước chảy xuống chậu được giữa lại, người dân lại dùng nước đấy làm các việc khác.

Nhịn đi vệ sinh vì thiếu nước

Bà Lê Minh Thuận (60 tuổi, sống tại căn hộ 502) cùng mẹ già 90 tuổi từ sáng sớm cũng phải xuống xách nước để dùng nhu cầu thiết yếu.
 

Máy bơm cá nhân có giá khoảng 1,2 triệu các hộ gia đình tự trang bị nhưng vẫn không đủ nước để dùng

Hôm nào muốn tắm giặt, bà bắt xe ôm sang nhà người quen ở Cát Linh để tắm, giặt nhờ. Bà nói: “Hôm nay tôi chỉ dám mua bìa đậu rán, một ít quả cà chua nấu với trứng làm canh để đỡ phải dùng nước rửa. Chúng tôi làm gì dám mua rau vì nước đâu mà rửa. Nhưng người già chỉ thèm ăn miếng rau chứ có thiết tha gì”.

Nhà có 2 mẹ con, bà dùng nước hết sức tiết kiệm. “Lúc nào “đi nặng” thì mới dội nước còn nếu “đi nhẹ” thì từ sáng tới tối mới dám dội một lần. “Hai bà già sống với nhau sức đâu mà đi gánh nước được nhiều”, bà chán nản.

Một hộ dân khác ở tầng 2 cũng nhấn mạnh, cả tuần gia đình anh mới dám giặt giũ, tổng vệ sinh một lần. Muốn giặt thì phải tích nước khi nào đủ nước thì mới có thể giặt qua loa. Như hôm 26/1 trời mưa cả ngày anh cũng phải giặt một đống đồ mùa đông vì tích nước đã đủ và không còn quần áo để mặc.

Bán nhà vì "hết kiên nhẫn"

Bà Nguyễn Thị Hằng (Tổ trưởng tổ dân phố 51) cho biết, nguồn nước sạch cung cấp cho các hộ dân trong Khu tập thể là của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch quận Đống Đa, trực thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội.
 

Người dân liên tục phải canh giờ bơm nước để lắp máy bơm cá nhân hút nước về từng hộ gia đình

Các hộ dân đã nhiều lần họp và có gọi điện cho công ty nước yêu cầu khắc phục nhưng hiện nay nước vẫn chưa có. Theo bà Hằng, ngày 25/1, công ty nước sạch đã cử người xuống, sau khi kiểm tra họ kết luận đồng hồ không vấn đề gì nhưng áp lực nước chỉ có 30 % mà áp nước phải 70 % thì nước mới chảy vào bể của khu được.

Bà Hằng khẳng định: “Người dân ở đây phải đầu tư dây nhợ, quanh gánh, thùng nước…để gánh nước từ dưới tầng 1 lên tầng 5. Nếu như các đợt trước vì vỡ đường ống nước ảnh hưởng đến nhiều phường, quận thì chúng tôi phải chấp nhận vì khó khăn chung nhưng hiện nay tất cả các hộ dân xung quanh đều có nước đầy đủ chỉ có khu tập thể này khan nước đó là điều không hiểu nổi”.

Bà khẳng định, đã có nhiều hộ trong khu tập thể phải bán nhà, chuyển đi chỗ khác vì thiếu nước sạch triền miên.
 
Trao đổi với PV, đại diện Công ty kinh doanh nước sạch Đống Đa, khẳng định, sau khi nhận được tin báo của người dân nước phản ánh tình trạng thiếu nước sạch công ty này đã cho người xuống kiểm tra, khắc phục sự cố. Phía công ty khẳng định, nguyên có thể do 'tắc' đồng hồ dẫn đến lượng nước vào bể lớn kém. Hiện tại, sau khi khắc phục, mỗi ngày có khoảng 35-40 khối nước chảy vào bể của Khu tập thể.
 
>> Vệ sinh vào túi bóng, hôm sau vứt vì thiếu nước sạch

Theo Ngọc Trang (VietNamNet)

Nổi bật