Không cho hộ dân ký hợp đồng trực tiếp với bên cung cấp điện
Ngày 29/8, thông tin với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Nhật là người mua căn hộ và cũng là thành viên của ban đại diện cư dân cho hay, những ngày nay đồng loạt nhiều chủ căn hộ tiếp tục căng băng rôn phủ kín toàn nhà để đòi quyền lợi.
Những tấm băng rôn màu đỏ chủ yếu ghi nội dung "Chủ đầu tư 302 Cầu Giấy ăn chặn tiền điện Chính phủ hỗ trợ Covid-19, 302 Cầu Giấy, cầu cứu ký điện trực tiếp với EVN".
Theo anh Nhật, mới đây chủ đầu tư ra thông báo về việc giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện phát sinh trong tháng 8 và tháng 9 năm 2021 cho khách hàng của tòa nhà sử dụng đến 200kW/tháng và 10 % cho khách hàng sử dụng trên 200kW/tháng. Tuy nhiên, điều kiện giảm tiền điện được chủ đầu tư áp dụng với những căn hộ đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ quản lý đến hết tháng 7/2021.
"Chủ đầu tư không tạo điều kiện cho cư dân ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung cấp điện, họ thu phí dịch vụ quá cao (12 nghìn đồng/m2) trong khi đó chất lượng không cao nên ít người đóng. Trong khi đó họ áp dụng giảm tiền điện đối với những hộ dân đã đóng đầy đủ. Theo quy định thì chủ đầu tư chưa đủ điều kiện để thu phí dịch vụ của chúng tôi", anh Nhật thông tin.
Anh Nguyễn Minh Nhật chia sẻ về ý kiến phản đối chủ đầu tư |
Đóng tiền 100%, nhiều năm không có sổ đỏ
Anh Nguyễn Minh Nhật – người mua 2 căn hộ tại chung cư trên bức xúc phản ánh, mới đây anh và các cư dân bất ngờ nhận được Phiếu lấy ý kiến cộng đồng dân cư và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan với Dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại tòa nhà Discovery Complex 302 Cầu Giấy.
Theo anh Nhật, nội dung đóng góp ý kiến đối với cư dân để phục vụ đánh giá các tiêu chí theo Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng (Hành vi vi phạm xảy ra từ ngày 04/01/2008 và đã kết thúc trước ngày 15/01/2018; Không vi phạm chỉ giới xây dựng: Không ảnh hưởng các công trình lân cận; Không có tranh chấp; Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp; Phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt), để giải quyết các khó khăn, khắc phục các vi phạm tồn tại tại dự án.
Ngoài ra, phiếu lấy ý kiến còn thể hiện nội dung chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh dự án, các vi phạm về trật tự xây dựng của chủ đầu tư như: điều chỉnh quy mô, cơ cấu, tổng số căn hộ ở tại dự án.
Cũng tại phiếu lấy ý kiến còn có nội dung "Thông tin, ý kiến phương án xử lý khắc phục sai phạm".
Anh Nhật cho hay, trong khi chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, chậm tiến độ theo cam kết, thì cư dân nhận được phiếu lấy ý kiến trên có nhiều vấn đề (như hình thức hợp thức hóa cho chủ đầu tư - PV) nên đại diện cư dân có làm đơn gửi Chủ tịch phường nhưng không được hồi đáp, khiến họ càng bức xúc.
Nói về tiến độ dự án, anh Nhật cho hay, năm 2014 anh mua căn hộ, trong hợp đồng ký kết với khách hàng, chủ đầu tư dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy cam kết bàn giao nhà là quý 1 năm 2016, được phép chậm nhưng không quá 180 ngày, như vậy thời hạn muộn nhất là quý III năm 2016.
Tuy nhiên, cho đến năm 2018 gia đình anh Nhật mới nhận được nhà. Từ khi về ở cho đến nay đã 4 năm nhưng gia đình anh vẫn chưa thể làm được sổ đỏ, mất đi cơ hội xin cho các con đi học đúng tuyến và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.
"Dù gia đình tôi đã đóng đầy đủ 100% giá trị hợp đồng, chủ đầu tư vẫn không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước, không làm được PCCC khiến cho sổ đỏ không được cấp, chủ đầu tư không chịu đối thoại với cư dân khiến chúng tôi rất bức xúc", anh Nhật chia sẻ.
Cũng tương tự, chị Q.A. phản ánh, từ việc chậm trễ hoàn thiện dự án, nhiều cư dân gặp phải khó khăn vì phải bỏ thêm một số tiền lớn trang trải cho việc thuê nhà để cả gia đình có chỗ ở trong khi chờ bàn giao căn hộ.
Nhiều trường hợp khi nhận bàn giao căn hộ thực tế lại có diện tích lớn hơn nhiều so với diện tích ban đầu trong hợp đồng. Như trường hợp của gia đình chị Q.A. căn hộ thực tế bàn giao bị tăng thêm 14m2.
"Không thể chấp nhận được việc tăng thêm, khiến gia đình tôi phải lo vay mượn thêm 500 triệu đồng, tôi chỉ đủ tiền mua với diện tích ban đầu. Trong khi đó, phòng bé thì vẫn bé, phòng đã rộng lại rộng thêm cũng chẳng để làm gì, phía ban công còn không được vuông vức như thiết kế ban đầu", chị Q.A. bức xúc.
Theo nhiều cư dân phản ánh, chủ đầu tư đã không chỉ không thực hiện đúng cam kết với khách hàng, mà còn vi phạm về PCCC, thay đổi công năng khiến cho việc cấp sổ đỏ bị dừng lại.
Liệu có hợp thức hóa sai phạm?
Liên quan đến việc xin ý kiến cộng đồng cư dân và người có liên quan đối với Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại tòa nhà Discovery Complex 302 đường Cầu Giấy, đại diện cư dân cho hay, sau 06 ngày Phiếu xin ý kiến được gửi đến từng căn hộ, số lượng phiếu gửi lại không nhiều, trong khi, cộng đồng cư dân vẫn đang rất quan tâm và thảo luận các vấn đề bất cập của đợt xin ý kiến này.
Vì vậy, để đảm bảo kết quả xin ý kiến không chỉ phản ánh đầy đủ, chính xác nguyện vọng của cộng đồng cư dân như mục đích của nó mà còn góp phần giữ ổn định trật tự trị an tại địa phương, tránh các khiếu kiện đông người không đáng có.
Ban đại diện cư dân chung cư Discovery Complex 302 Cầu Giấy xin tổng hợp lại ý kiến của cư dân và kiến nghị một số nội dung với UBND phường Dịch Vọng.
Cụ thể: Phiếu xin ý kiến được đóng dấu treo của UBND phường và được Chi bộ, Tổ dân phố tổ chức phát cho từng căn hộ, khiến nhiều cư dân hoang mang, hiểu lầm, thậm chí bức xúc đặt câu hỏi tại sao chính quyền hợp thức hóa cho các sai phạm của chủ đầu tư. Nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu văn bản thông báo của UBND phường về mục đích, lý do lấy ý kiến.
Phiếu xin ý kiến được thiết kế gồm 04 vấn đề nhưng gộp từng nhóm 02 vấn đề độc lập vào cùng một nội dung xin ý kiến Đồng ý/Không đồng ý, khiến cư dân khó lựa chọn, thậm chí, gây hiểu lầm cho một số cư dân rằng chính quyền sử dụng ngôn từ có dụng ý ép cư dân phải đồng ý với các sai phạm của chủ đầu tư, gây bất lợi cho cư dân, tước đi các quyền dân sự đã được thiết lập tại "Hợp đồng mua bán căn hộ" mà cư dân đương nhiên được hưởng, biến các quyền này thành điều kiện xử lý (cho tồn tại) các sai phạm của chủ đầu tư.
Hàng loạt chung cư có vị trí đắc địa ở Hà Nội vi phạm về trật tự xây dựng, nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp.
Chủ đầu tư nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuế
Trong kết luận thanh tra vừa công bố, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án chung cư ở Hà Nội.
Dự án Athena Complex Pháp Vân chậm giao nhà, cư dân kêu cứuChung cư có 2 ngôi chùa trên tầng thượng ở Hà Nội: Cư dân gần chục năm kêu cứu, chủ đầu tư bị phạt 125 triệu, phải trả lại toàn bộ kinh phí bảo trìHà Nội: Bi hài chung cư tự "đẻ" thêm 2 tầng rồi "lãng quên" gần chục năm không người nhận, chủ đầu tư hóa "thợ lặn" bỏ mặc an toàn của cư dân
Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra 38 dự án cụ thể trên địa bàn TP Hà Nội. Qua đó, phát hiện 8 dự án nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 1.951 tỉ đồng. Đến nay, một số chủ đầu tư đã nộp hơn 1.106 tỉ đồng, số tiền còn nợ đọng là hơn 844 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tại dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê 302 Cầu Giấy (Dự án Discovery Complex), chủ đầu tư chuyển một phần diện tích từ đất thuê trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu sử dụng đất khi chưa được cho phép. Số tiền cần nộp bổ sung là hơn 403 tỉ đồng.
Theo Minh Ngọc (Nhịp Sống Việt)