"Bắt đầu từ 1/10, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại TP.HCM sẽ được mở cửa trở lại, đáp ứng các tiêu chí thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19".
Sau khi thông báo được phát đi, hàng triệu người dân tại TP.HCM đã khấp khởi vui mừng. Kể từ ngày 1/10, một đời sống "bình thường mới" sắp bắt đầu.
Trong dòng người vun vút lao trên đường, bà Trần Thị Diệp (71 tuổi) ngồi co ro một góc vỉa hè. Bà không sử dụng điện thoại di động, thi thoảng gặp người này, người kia, bà lại hỏi thăm khi nào thành phố sẽ "mở cửa" trở lại. Bởi trong suốt 4 tháng dài đằng đẵng, bà đã rất vất vả để có thể lo cho mình và "tụi nhỏ".
.vcc-media-unit.type3 { width: 100%; display: inline-block; border-left: solid 6px #0e1c63; padding-left: 10px; text-align: left; } .vcc-media-unit.type3 p { line-height: normal !important; } .vcc-media-unit.type3 .title { color: #0e1c63; font-size: 40px !important; font-weight: bold; margin: 0; font-family: SFD-Bold; } @media screen and (max-width: 760px) { .vcc-media-unit.type3 { border-left: none; padding-left: 0; } .vcc-media-unit.type3 p.title { font-size: 35px !important; margin: 0; } }
Những giấc ngủ tròng trành trên hè phố
"Tụi nhỏ" của bà Diệp là "thằng" Nam, con Nếp, con Mi, con Ú U... Tất cả đều là những chú chó, mèo bị bỏ rơi, sắp bị giết thịt... được bà Diệp nhận nuôi.
Khi có người ghé thăm, bà chỉ vào con Nếp cười nói: "Hồi đó, có ông kia tính đem nó đi giết thịt rồi đó chứ. Tôi mới chạy lại nói là thôi chú ơi, chú để con chó này lại cho tui, tui có mấy chục cho chú mua đồ nhậu, uống cà phê. Rồi tui ẵm Nếp đi, nuôi nó tới giờ đó".
Sống cảnh "màn trời chiếu đất" vậy mà "đứa nhỏ" nào của bà Diệp cũng được chăm sóc đầy đủ, chải lông sạch sẽ.
"Nhà" của bà là chiếc xe được ghép lại từ ván ép và khung sắt. Mấy bộ quần áo cũ, bếp gas nhỏ, nồi niêu, xoong chảo... được bà vun vén, chất hết lên xe.
Buổi tối, bà Diệp về khu vực gần nhà tang lễ (quận 5) xin đậu xe để ngủ nhờ, sáng bà lại lững thững tìm ve chai để nhặt. Từ khi giãn cách xã hội, cuộc sống của bà trở nên chật vật hơn.
"Tôi tính mướn căn trọ nhỏ ở quận 7 bởi mùa này mưa lớn lắm, nhưng người ta nói không được đem chó mèo vào. Họ bảo tôi vứt hết tụi nó đi thì cho ở, nhưng tôi không đành lòng, được bữa nào hay bữa đó. Tụi nó là "người thân" để bầu bạn với tôi. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, miễn là "bà cháu" có nhau thôi", bà Diệp nói.
Bà cho "tụi nhỏ" vào ở trong một cái cũi tươm tất, được người quen bên quận 12 cho. Về phần mình, bà trải ghế bố nằm ngủ dưới lề đường. vỉa hè. Giấc ngủ của bà bao giờ cũng tròng trành bởi tiếng xe cộ.
Bà Diệp không xài điện thoại. Bà biết về Covid-19 thông qua chiếc TV trên đài chỗ nhà vệ sinh công cộng mà bà hay vào tắm. Mỗi ngày, bà Diệp đều nghe về tình hình số ca nhiễm tại TP.HCM từ đó.
4 tháng qua, bà đã sống trong trăm bề khổ cực. Một mạnh thường quân hay cho bà thức ăn để nuôi chó mèo đã bị mắc Covid-19, bà đứt liên lạc với người ấy từ đó. Người đi đường thấy thương, hay cho bà vài chục, có khi một trăm nghìn để bà lo lắng cho chó mèo.
"Có khi cả ngày, chỉ xin được hộp cơm, tôi ăn một ít, còn lại bóp nhuyễn, trộn cho tụi nó ăn", bà nói.
Những lúc ngủ bờ bụi trên vỉa hè, bà đã bị nhiều người hắt hủi, chửi mắng. Bà Diệp nhớ lại: "Họ nói sao tôi lì quá vậy, có lỗ tai không mà cứ ngủ ở khu này. Mấy lần đi qua chốt chặn, tôi phải giải thích rất nhiều với các chú trực chốt, họ thương tình cho tôi ngủ nhờ ở vỉa hè".
"Mong hết dịch từng ngày để làm giấy tờ cho con"
Bà Diệp quê ở Trà Vinh, lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 1976, bà đi kinh tế mới ở Đồng Nai và nên duyên vợ chồng cùng một người đàn ông.
Sau nhiều biến cố, bị gia đình chồng đánh đập, hắt hủi. "Đến khi sinh con, tôi cũng không có được một bộ quần áo lành lặn, tươm tất để mặc. Công an sau nhiều lần hòa giải nói tôi rằng bà hãy đi tìm một cuộc sống mới đi, chứ sống trong cảnh khổ cực như vầy hoài sao mà chịu nổi", bà Diệp nói.
Giọt nước tràn ly, bà quyết định ly dị chồng, sống nay đây mai đó. Bà Diệp có 5 người con, nhưng không may đã qua đời hết 4 người. Người chết cháy, người tự vẫn, người tù tội...
Hiện tại, bà chỉ còn một người con trai đang sống tại quận 7, TP.HCM. Tai nạn vào năm 7 tuổi đã làm anh không có sức khỏe như người bình thường.
Do nhiều biến cố, tài sản không còn nữa, con trai bà cũng không có giấy Căn cước công dân. Hơn chục năm qua, anh đã sống một cuộc đời "không thân phận".
Bà Diệp nghẹn ngào: "Người ta thuê gì làm nấy, nó không có trình độ, sức khỏe không ổn định. Trước kia, nó cũng đi nhặt ve chai, thu phế liệu. Thấy con sống trong cảnh không có giấy tờ, tôi thương nó lắm nhưng không làm gì được.
Hôm trước, tôi tính xin nhờ một người em cho nhập hộ khẩu để làm giấy tờ tùy thân cho con. Dịch bệnh bùng phát, mọi thứ đành dừng lại. Tôi mong chờ hết dịch đến từng ngày, từng giờ, để có thể hoàn thành các thủ tục cho con".
Trước "giờ G" mở cửa trở lại, con đường Lý Thái Tổ (quận 10) nơi bà Diệp dựng xe trở nên tấp nập hơn. Thỉnh thoảng, bà lại hỏi người đi đường, "những ai có Facebook, YouTube" về tình hình thành phố sau ngày 30/9. Đối với bà, "bình thường mới" là một niềm hy vọng lớn.
Nó khiến đoạn đường mà bà mưu sinh đông đúc hơn, con trai bà có cơ hội sống cuộc đời "có thân phận", cho "lũ nhỏ" của bà không còn quắt quay cơn đói vào những ngày chẳng có gì ăn.
Theo Bảo Yên (Trí Thức Trẻ)