Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ có thể mời tư vấn nước ngoài cùng đánh giá việc nhận chìm chất nạo vét ở Bình Thuận.
"Việc đánh giá toàn diện này gồm cả rà soát lại nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Trong trường hợp cần thiết, VAST có thể mời tư vấn nước ngoài tham gia", đại diện VAST nói.
Vùng biển Vĩnh Tân, nơi được cấp phép nhận chìm gần một triệu m3 bùn. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Trước đó, Viện Hải dương học thuộc VAST đã tham gia khảo sát hiện trạng khu vực đáy biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhận chìm và các vùng gần đó; đây sẽ là thông tin nền để VAST xem xét khi thực hiện đánh giá nêu trên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10.
Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m. Nhiều nhà khoa học, lo ngại có thể xảy ra "thảm họa môi trường" nếu việc nhận chìm được triển khai. Hội nghề cá và một số tổ chức phi Chính phủ cũng có đơn kiến nghị dừng việc thực hiện cấp phép.
Gần đây, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh đã có nhiều văn bản gửi một số cơ quan trung ương và Bộ Tài nguyên đề xuất có thể dùng chất nạo vét để lấn biển tại khu vực dân cư bị sạt lở do triều cường.
Theo Phạm Hương (VnExpress.net)