Khi chiếc điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân, không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại thì nhiều chủ nhân sử dụng "dế yêu" một cách lạm dụng, dễ gây thiếu thiện cảm với người xung quanh.
Nhiều người đi xe máy hễ dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư là rút điện thoại ra bấm. Điều này đôi khi dễ làm ảnh hưởng tới việc di chuyển của các phương tiện khác.
Trong số đó, theo khảo sát của phóng viên, tỷ lệ người tìm đường đi bằng bản đồ không nhiều.
Đèn tín hiệu tại các ngã tư ở Hà Nội thường thiết lập mỗi lần dừng từ khoảng 20 giây đến hơn 2 phút. Người dùng điện thoại lúc này có rất nhiều lý do để đút tay vào túi móc điện thoại ra như chuông tin nhắn, điện thoại liên tục rung hay bản thân người sử dụng đang đợi một tin tức nào đó...
Theo quan sát của phóng viên, không phải ai bấm điện thoại khi dừng chờ đèn đỏ cũng là người đang có việc cần giải quyết. Hầu hết, họ mở khóa màn hình ra để xem tin nhắn, cuộc gọi hay đơn thuần chỉ là lướt mạng xã hội và theo dõi các lượt bình luận, lượng like.
Chờ đèn đỏ cũng như chờ thang máy, nhiều người rút điện thoại ra bấm thỉnh thoảng phải ngước mắt lên nhìn đèn rồi lại tiếp tục "dán mắt" vào màn hình.
Cũng có ý kiến coi đây là biện pháp giết thời gian một cách hiệu quả.
Vì "nghiện" dùng điện thoại, có người không để ý đèn đỏ đã chuyển sang màu xanh. Khi bị tiếng còi từ các phương tiện phía sau, họ mới vội đề nổ máy rồi tăng ga phóng.
Một trường hợp do mải dùng điện thoại đã bị người từ phía sau lên tiếng nhắc. Cô vội đút "dế yêu" vào túi rồi sau đó tăng ga phóng.
Một thanh niên vừa lái vừa cúi mặt vào màn hình điện thoại trong khi đang di chuyển giữa hai chiếc xe hơi. Lúc này các phương tiện đang giảm tốc độ để dừng trước vạch quy định.
Có ý kiến cho rằng, với thời gian dừng chờ lên tới cả phút bị buồn tẻ, không có việc gì làm thì cách giết thời gian tốt nhất là sử dụng điện thoại di động.
Theo Nhật Sinh (VietNamNet)