Giật mình chuyện mua bán, nấu cao rùa quanh Vườn Quốc gia Ba Bể

19/12/2019 14:07:59

Qua các đầu mối, PV Báo Gia đình & Xã hội đã liên hệ được "ông trùm" chuyên buôn bán cao rùa. Người này cho biết, Vườn Quốc gia Ba Bể là một trong số ít nơi ở nước ta còn nhiều loài động vật quý sinh sống, trong đó có rùa núi và khi đã gom đủ cá thể rùa để nấu một nồi cao thì phải thêm thuốc phiện đen để tăng chất lượng (?).

Giật mình chuyện mua bán, nấu cao rùa quanh Vườn Quốc gia Ba Bể
Bà chủ một nhà hàng ở thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) giới thiệu và mời khách mua cao rùa. Ảnh: PV

Cao rùa rao bán nhan nhản

Trong vai du khách từ Hà Nội lên chơi hồ Ba Bể (Bắc Kạn), mới bước chân vào quán ăn, phóng viên đã nhận được những lời mời chào thưởng thức các món ăn chế biến từ thịt thú rừng tự nhiên mà chỉ khu vực này (nơi gần Vườn Quốc gia Ba Bể) mới có. Ngoài các món thịt tươi, tự nhiên, chủ quán đặc biệt giới thiệu các sản phẩm từ rùa gồm nguyên liệu là mai rùa mang về để nấu cao hoặc cao rùa thành phẩm.

Theo tìm hiểu, rùa sống được bán với giá từ 1 – 2 triệu đồng/kg, khi nấu thành cao thì bán với giá từ 1,5 – 3,5 triệu đồng/lạng. Sở dĩ có mức giá chênh lệch nhau khá lớn như vậy là do cách nấu của mỗi người khác nhau, có người cho thêm nhiều loại xương động vật khác, thậm chí cho cả thực vật để nấu sao cho được nhiều cao bán cho người dùng.

Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến gặp bà H., nhà ở trung tâm thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể). Sau khi lên tầng 2 lấy xuống 4 miếng dạng màu đen bọc trong túi nilon màu trắng để trên bàn, bà này cho biết: "Chị không nói dối làm gì, chị mua rùa sống, chị nấu tại nhà luôn. Cái này yên tâm đi, chị mới nấu được mấy tháng, lúc nấu chị cho thêm 1 con diều hâu, ít sa nhân, thuốc phiện đen. Chị còn cẩn thận thuê người có kinh nghiệm đến tận nhà nấu. Mình trực tiếp giám sát, đóng gói, chú cứ yên tâm. Chữa được cả mỏi lưng, thoái hóa, đau dạ dày… Cách dùng thì ngậm sống luôn thì tốt, vị nó đắng vì có thuốc phiện mà".

Giật mình chuyện mua bán, nấu cao rùa quanh Vườn Quốc gia Ba Bể - 1
“Ông trùm” chuyên nấu cao rùa cho phóng viên xem ảnh một nồi cao gồm hàng chục rùa núi mà ông vừa nấu.

Từ những lời móc nối, phóng viên đến thêm 3 điểm được cho là đã từng thu gom rùa và nấu cao rùa. Tại nhà, họ đều có sẵn cao rùa để chào khách. Còn lấy rùa sống chỉ cần điện thoại trước vài ngày là họ có thể gom đủ rồi giao cho khách.

Ngoài ra, những người được phóng viên tiếp cận còn giới thiệu thêm những "ông trùm" ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang… chuyên bán cao rùa và rùa sống. Qua điện thoại, những người này đều sẵn sàng giao hàng mọi lúc, mọi nơi và chỉ cần chuyển tiền qua tài khoản.

"Tôi đã làm thịt cả nghìn con rùa"

Giật mình chuyện mua bán, nấu cao rùa quanh Vườn Quốc gia Ba Bể - 2
Một cá thể rùa sa nhân mà nhóm người săn được để nấu cao.

Tiếp tục lần mò các mối bán cao rùa, chúng tôi tiếp xúc với một người đàn ông tên Đ, chuyên nấu cao rùa và buôn bán rùa số lượng lớn. Ông này cho biết, khi đã gom đủ rùa để nấu một nồi cao thì cần thêm ít thuốc phiện đen để tăng chất lượng của nồi cao. Nồi cao rùa có thể nấu bằng bếp củi hoặc bếp ga trong hai ngày một đêm.

"Rùa sau khi đem về ngâm nước cọ rửa sạch mai cho đến khi vàng óng, sau đó làm thịt, lấy bộ lòng chế biến thành món ăn, còn tất cả các thứ khác đều cho vào nồi nấu, cứ đun một thời gian rồi chắt nước ra, sau hai ngày nấu sẽ cô lại thành cao rùa", ông Đ nói.

Ông Đ cho biết thêm: "Thời gian gần đây rùa hiếm dần, vào mùa cao điểm như mùa hè tôi nấu vài nồi, không như trước kia có năm đến mấy chục nồi, mỗi nồi nấu ít nhất là 10kg rùa núi, nhiều thì khoảng 40kg. Mình làm thịt xong cho vào nồi chuyên dụng nấu như nồi bánh chưng thôi, ai để ý làm gì(?). Tôi nấu rùa gần chục năm nay, năm nào chẳng mấy chục nồi. Tính ra tôi đã làm thịt cả nghìn con rùa rồi đấy...".

Cũng theo khảo sát của PV, cao rùa sau khi nấu xong, đóng gói để vào ngăn mát tủ lạnh để được 3- 4 năm. Gần đây, ở Bắc Kạn xuất hiện nhiều đầu mối nấu và bán cao rùa khiến việc phi pháp này như trở thành "phong trào" ở thị trấn Chợ Rã.

Qua tìm hiểu, các loại rùa được nấu cao nhiều ở thị trấn Chợ Rã (Ba Bể, Bắc Kạn) là rùa mỏ quạ, rùa núi, rùa sa nhân, rùa được những người thợ săn dùng chó đi vào Vườn Quốc gia Ba Bể và các rừng núi lân cận để bắt về bán. Họ thường đưa đàn chó vào rừng để chúng sẽ tỏa đi các hướng, khi gặp rùa chúng sẽ sủa và thợ săn chỉ cần đến chỗ đó nhặt rùa bỏ vào tải hoặc ba lô mang về.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết: "Từ những hình ảnh phóng viên cung cấp thì loại rùa bị đem ra nấu cao nhiều nhất là rùa sa nhân, thuộc nhóm IIB theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP. Giá trị tang vật trên 150 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên (hoặc tái phạm) sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 234 với mức phạt lên đến 12 năm tù. Đáng buồn là tại một số địa phương vùng cao, nhiều người tưởng mình không vi phạm pháp luật nên công khai buôn bán rùa kiếm lời".

Số liệu của Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã Quốc tế (WCS) cho thấy gần 1/3 trong số hơn 26.000 bộ phận động vật hoang dã bị tịch thu từ năm 2013 đến 2017 là rùa. Khảo sát trong số 1.504 vụ bắt giữ liên quan đến động vật hoang dã thì có đến 10,31% vụ việc luôn quan đến con vật quý và vô cùng chậm chạp là rùa. Rùa trở thành nhóm loài lớn thứ hai trong số các vụ bắt giữ động vật hoang dã ở Việt Nam.

Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)

 

Nổi bật