Không cho học sinh tiểu tiện, đại tiện và uống nước trong giờ học, em nào nghịch sẽ không được ngủ trưa, rồi bị vẽ son lên mặt để các bạn bêu xấu… Đó là những cách 'dạy học' khá lạ đời mà một số học sinh lớp 1 phải chịu đựng hơn 2 tháng qua ở chi nhánh Trường dân lập quốc tế Việt - Úc (VAS), số 1L Phan Xích Long, quận Bình Thạnh (TP.HCM).
VAS là một trường tư nhân quốc tế khá nổi tiếng ở TP.HCM và được nhiều phụ huynh tín nhiệm - Ảnh: Đình Quân |
Con tôi kể việc cô giáo nói cháu ngu như bò khiến cho cháu nghĩ mình dốt và không tự tin. Cháu không thích đến trường và đòi nghỉ học. Phụ huynh L. |
Đùng một cái cách đây 3 ngày, tỉ tê với con, chị L. chết điếng khi 2 đứa con tiết lộ ở trường bạn nào viết chữ không đẹp sẽ bị cô giáo chủ nhiệm lớp nói mắng như bò. “Các con bị la mắng sỉ nhục thường xuyên như vậy khi viết chữ H không đủ độ cao hay chữ N không đủ độ ngang. Tôi nghe con kể mà giật cả mình. Không thể chấp nhận được. Tôi không quan trọng điểm số của con mà chú trọng con được đối xử và dạy thế nào về nhân cách. Dạy như thế thì không ổn chút nào”, chị L. kể.
Chị L.đem câu chuyện mà con mình kể trao đổi trong nhóm chat phụ huynh cùng lớp. Thật bất ngờ, chỉ một lát sau khi dọ hỏi, nhiều phụ huynh phản hồi là con mình cũng bị tình trạng như vậy. Điển hình nhất là cô chủ nhiệm sợ học sinh làm đổ nước dơ sàn nên tịch thu bình không cho các em uống nước; trong suốt buổi học dù muốn tiểu - đại tiện cũng không được đi vệ sinh; rồi cô chủ nhiệm thường xuyên xách lỗ tai, nhéo, đánh học sinh bằng thước kẻ…
Chưa dừng lại ở đó, buổi trưa, em nào không ngủ, nếu là con gái sẽ bị cô giáo dọa cắt tóc, nếu là con trai sẽ bị cô giáo lấy thỏi son trét lên mặt, bắt đứng cuối lớp rồi để các học sinh khác chê cười, lêu lêu biến thành con gái cho… chừa. Đến tận giờ ăn xế, các em mới được cô giáo chùi, rửa mặt cho hết vết son.
Bắt học sinh nói dối
Bức xúc khi nghe con kể lại như vậy, sáng 14.10, chị L. cùng với một số phụ huynh lên trường gặp hiệu trưởng và ban giám hiệu để phản ánh. Bất ngờ là buổi chiều đón con, chị L. lại nghe con kể trong ngày hôm đó, cô chủ nhiệm kêu từng bạn lên “tra hỏi” tại sao lại đưa chuyện đó về kể cho ba mẹ.
“Cô chủ nhiệm kêu cháu N. con trai tôi lên rồi nói là cô chửi bạn khác chứ có chửi em đâu. Em mách ba mẹ như vậy là sai rồi. Chưa dừng lại ở đó, khi con gái tôi đang ngồi vươn vai thì cô lấy thước kẻ đánh vào người cháu. Tôi chấp nhận cô giáo đánh nếu cháu có lỗi. Đằng này cô trút bực dọc lên đầu các cháu khi phụ huynh phản ánh với ban giám hiệu là điều không nên”, chị L. bức xúc kể.
VAS được thành lập năm 2004. Trang web của VAS cho hay hiện trường có 6 cơ sở ở TP.HCM với gần 4.500 học sinh từ mầm non đến lớp 12.
Trao đổi với PV ngày 15.10, nhiều phụ huynh lớp 1.3 đều chung tâm trạng lo lắng cho con của mình. Chị D.X - mẹ của cháu H - cho hay sau nhiều lần gặng hỏi, cháu H. mới nói mình và nhiều bạn cũng bị cô giáo trét son lên mặt rồi để các bạn cùng lớp bêu xấu.
Để con được học ở VAS, phụ huynh đóng tiền học phí hơn 100 triệu đồng/năm, tiền giáo trình 5 triệu đồng, cơ sở vật chất 7 triệu đồng, tiền ăn 25 triệu đồng… Tổng cộng tiền đóng khoảng 150 triệu đồng/năm. Trừ 2 tháng nghỉ hè và tết, học sinh học 10 tháng, như vậy trung bình chi phí khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Nói xong, chị X. mở điện thoại thống kê số lượng học sinh bị cô giáo phạt, rồi liệt kê: “Bạn T.B bị đứng ngoài trời rồi cô chửi ngu, H. cũng bị chửi ngu như bò. Bạn V.K, H.A, G.A và con tôi là H. bị trét son lên môi. Còn bạn nữ bị cô hù nếu hư sẽ bị cắt tóc cho thành con trai”.
Theo chị X., cháu bị phạt nhưng về không kể cho ba mẹ một phần do cô chủ nhiệm dọa các cháu không được kể. Phần nữa do các cháu còn nhỏ chưa ý thức được hình phạt đó đúng hay sai mà chỉ nghĩ đó là trò đùa ở trường. Đến khi chị giải thích rằng hành động của cô giáo là không đúng, thậm chí xúc phạm, các cháu mới hiểu ra và kể hết mọi chuyện.
“Con tôi khá hiếu động, hay chạy nhảy chỗ này chỗ kia nhưng không phải vì thế mà cô giáo có quyền đối xử với cháu như vậy. Chưa kể cô còn dạy cháu không được nói sự thật mà phải nói dối ba mẹ”, chị X. buồn rầu nói.
Chị Đ.T.T - mẹ của cháu G.A - bức xúc nói: “Con người ta bị cô xử một món, riêng con tôi bi xử cả ba món: trét son lên mặt, chửi ngu như bò và không cho cháu ngủ trưa. Sáng nay tôi gặng hỏi cháu mới nói. Cháu còn nói chuyện đó mẹ bỏ qua đi mẹ. Có nghĩa là cháu biết chuyện đó không đúng nhưng cháu giấu”.
“Chỉ là lỗi của giáo viên chủ nhiệm”
Bà Trần Thị Phương Dung làm việc với phụ huynh trong chiều 15.10 - Ảnh: Đình Quân |
“Tôi làm việc trong ngành giáo dục 30 năm và chưa bao giờ gặp phải tình trạng này. Sự việc phụ huynh phản ánh thường xảy ra vào buổi trưa khi người giám sát, bảo mẫu ra ngoài. Đó là giờ ngủ của các cháu nên cửa phòng đóng, đèn trong phòng tắt”, bà Dung cho hay.
Bà Dung cho biết thêm nhà trường nhận thấy việc trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí của con và niềm tin của phụ huynh với trường. Do đó ban giám hiệu trường sẽ cho cô H. nghỉ việc vào ngày 24.10. Trong thời gian này trường sẽ giám sát lớp 1.3 để tránh chuyện đáng tiếc.
Phơi nắng học sinh? Trong buổi làm việc, một số phụ huynh cho biết đặt vấn đề có hay không việc cô H. phạt phơi nắng những học sinh không vâng lời. Về việc này, bà Dung khẳng định sau khi hỏi cô H. và qua kiểm tra thì không thể có chuyện học sinh bị phơi nắng. Theo bà Dung, thực sự thì cô H. chỉ phạt các cháu đứng ở ngoài lớp học. Trong trường có bộ phận văn phòng, giám sát và bảo mẫu nên không thể có chuyện cô H. phơi nắng học sinh mà trường không thể phát hiện ra được. Nói với phụ huynh, bà Dung khẳng định: “Lời trẻ con nói có khi phải xem xét lại. Tôi không bao biện cho giáo viên nhưng cái gì có thì mình nói có, cái gì không thì mình nói không”. Tuy nhiên một số phụ huynh không đồng tình với lý giải trên. Theo họ, trong suốt 2 tháng qua, trường không phát hiện để ngăn chặn hành động của cô H. đối với học sinh. Thậm chí, có lúc phụ huynh đã phản ánh thẳng với cô H. và ban giám hiệu nhưng sự việc đang tiếc trên vẫn tiếp diễn. |
Bà Lê Minh Ngọc, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hiện là Phó chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM: “Ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách các cháu” “Đối với các cháu nhỏ phải có sự tôn trọng tối đa. Việc học viết, rèn chữ phải làm từ từ và tùy theo khả năng của từng đứa trẻ. Cô giáo không được phép mắng chửi các cháu như vậy. Đó là cách dạy phản khoa học. Việc không cho phép các cháu đi tiểu là rất bậy, trái lại các cháu có quyền được đi. Phải để cho các cháu tự nhiên phát triển. Việc dạy như thế sẽ ảnh hưởng đến tâm lí khiến trẻ sợ sệt và không muốn đến trường. Trong khi yêu cầu bây giờ là giáo viên phải theo dõi cá biệt từng em, nghĩa là giáo dục tùy theo khả năng của từng đứa trẻ. Giáo viên không được cưỡng bức và dạy các cháu nói dối, hay làm cho các cháu xấu đi bằng hình thức phạt để mọi người chế giễu. Độ tuổi lớp 1 rất quan trọng đến việc hình thành nhân cách các cháu sau này. Hồi trước, cháu của tôi cũng học ở VAS Phan Xích Long. Trường theo dõi lớp kỹ lắm, dễ thương lắm mà giờ lại xảy ra chuyện như thế. Tôi nghe kể cũng thấy bất ngờ”. |