Thời gian gần đây, chị Mai đặc biệt lo âu vì con trai chị lại xếp hạng cuối cùng của lớp. Chị cho biết mình đã đánh, đã mắng nhưng điểm số của con vẫn cứ như vậy. Hôm qua, chị được giáo viên chủ nhiệm của con gọi lên văn phòng. Theo cách nói của chị Mai, cả hai đã "giao tiếp" như thể đang tiến hành một khóa huấn luyện "cách giáo dục học sinh tiểu học" khẩn cấp trong hơn 1 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, mọi thứ thực tế không quá tệ. Bởi vì giáo viên chủ nhiệm của con chị với 20 năm kinh nghiệm giảng dạy đã truyền đạt cho chị nhiều kỹ năng giáo dục ấn tượng. Thầy còn động viên chị rằng chỉ cần phương pháp giáo dục đúng đắn thì con trai chị từ học sinh dốt cũng có thể "lội ngược dòng" thành học sinh giỏi.
Thầy đã nói thẳng với chị: Những kiểu học sinh dưới đây có khả năng trở thành học sinh giỏi cao nhất, phụ huynh nên quan tâm đến các em nhiều hơn.
Kiểu 1: Những em có bạn ngồi cùng bàn là học sinh giỏi
Thầy chủ nhiệm cho biết, chỉ cần con trai chị Mai có thái độ học tập tốt và thực sự muốn học thì em sẽ không gây ảnh hưởng đến việc học của các bạn khác. Bước tiếp theo, thầy sẽ xếp một người bạn cùng bàn cho em. Chị Mai nghe vậy thì rất vui, vì hiểu quy luật "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" nên chị đương nhiên cũng mong con trai mình sẽ học hỏi được từ bạn cùng bạn học giỏi.
Đây chính là điều mà thầy chủ nhiệm đã "thú nhận" với chị: những em học sinh có bạn cùng bàn là học sinh giỏi thì sẽ có cơ hội "lội ngược dòng" thành học sinh giỏi hơn. Lý do là vì, khi ngồi cùng bàn với học sinh giỏi, trẻ sẽ bị thái độ học tập của học sinh giỏi ảnh hưởng một cách từ từ, mưa dầm thấm lâu, trẻ cũng sẽ hy vọng mình có thể trở thành một học sinh như vậy.
Bên cạnh đó, việc ngồi cùng bàn với học sinh giỏi mang đến "chỗ tốt" cũng mang đến "áp lực". Chỗ tốt ở đây là nếu có câu hỏi nào không biết hoặc nội dung nào nghe giảng chưa rõ, sau khi hết tiết, các em có thể hỏi thêm bạn. Áp lực là, bạn cùng bàn học giỏi như thế mà bản thân lại học kém như thế, sự đối lập quá lớn khiến áp lực sinh ra, tự nhiên sẽ làm các em nỗ lực hơn để thu hẹp khoảng cách giữa đôi bên.
Kiểu 2: Những em thông minh nhưng ham chơi, không thích học
Ở một diễn biến khác, thầy chủ nhiệm cũng nói với chị Mai rằng con chị không dốt, ngược lại, cậu bé còn được coi là một học sinh thông minh, tuy nhiên lại quá nghịch ngợm. Nếu cậu bé học cũng hăng say như chơi thì không khó để "lội ngược dòng" và cải thiện kết quả học tập.
Bởi vì, thực tế đã chứng minh những đứa trẻ thông minh, ham chơi và không thích học tập đều là những đứa trẻ có tiềm năng. Chỉ cần đầu óc của chúng được khai sáng và bản thân chúng muốn học tập thì chúng nhất định có thể tạo ra sự bùng nổ lớn. Chúng có thể tận dụng trí thông minh của mình để bắt kịp các học sinh khác và trở thành những học sinh top đầu "hàng thật giá thật".
Kiểu 3: Những em chăm chỉ và có nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc
Ngoài hai kiểu trên còn có một kiểu học sinh khác cũng được thầy chủ nhiệm đánh giá cao và cho rằng có khả năng "lột xác" thành học sinh giỏi nhất. Đó chính là những em có thành tích chỉ ở mức trung bình nhưng thái độ học tập đúng đắn, chăm chỉ và có nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc.
Những em học sinh này đã tích lũy được ít nhiều kiến thức, song chưa thực sự biết cách vận dụng chúng. Miễn là được hướng dẫn chỉn chu, các em hoàn toàn có thể cải thiện thành tích của mình một cách nhanh chóng.
Cha mẹ không cần quá lo lắng về việc thành tích học tập của trẻ chậm cải thiện, chỉ cần các em chăm chỉ xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản cho mình và ôn luyện thật kỹ những kiến thức đó thì dần dần sẽ thu lại được quả ngọt. Việc học quan trọng nhất là phải kiên định, nếu trẻ không thông minh và cũng không có sự giúp đỡ của "bạn cùng bàn" là học sinh giỏi thì cha mẹ cũng không nên nản lòng, quan trọng là phải chú ý đến thái độ học tập của trẻ. Đừng quên động viên và khích lệ trẻ kịp thời.
Theo Thiên An (Phụ nữ Việt Nam)