Kẹt xe trên đường Cộng Hòa, TP HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Để đặt hàng cho cuộc gặp đầy kỳ vọng này chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học.
- Ùn tắc giao thông có phải là việc đầu tiên mà Thành ủy TP HCM và Bộ Giao thông vận tải cần giải quyết?
- Ùn tắc giao thông xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó việc quy hoạch đô thị, giao thông chưa hợp lý cộng thêm mật độ người dân nhập cư vào TP HCM tăng lên. Đơn cử như việc từ những năm 2000, lãnh đạo TP HCM muốn giảm tải cho khu vực trung tâm nên đã chuyển hơn 5.000 nhà máy, xí nghiệp ra các huyện ngoại thành như ở khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Tân Tạo, Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), Linh Trung (quận Thủ Đức)…
Ùn tắc giao thông xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó việc quy hoạch đô thị, giao thông chưa hợp lý cộng thêm mật độ người dân nhập cư vào TP HCM tăng lên. |
Khu công nghiệp Tân Bình đặt ngay trong nội thành, sát trục đường trung tâm hướng Tây Bắc khiến tuyến đường này thường xuyên bị tắc nghẽn trong các giờ cao điểm. Các trường đại học cũng đang duy trì hai cơ sở đào tạo ở trung tâm và ngoại thành cũng khiến việc di chuyển trên đường của hơn 600.000 sinh viên nhiều hơn.
Công nhân đang thi công cầu metro Sài Gòn thuộc dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Ảnh: Lê Quân. |
- Ông có đề xuất giải pháp cụ thể nào để có thể giải “bài toán” trên?
- Ngay từ bây giờ, lãnh đạo TP HCM cần huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm hai tuyến metro quan trọng nhất là Bến Thành – Suối Tiên (dài gần 20 km) và Bến Thành – Tham Lương (dài 11 km). Phải quyết tâm hoàn thành trước năm 2020. Vì các tuyến metro giúp vận chuyển một lượng hành khách rất lớn, giảm áp lực cho hai cửa ngõ phía Đông và Tây Bắc của TP.
Cần xây dựng thêm nhiều cây cầu ở cửa ngõ này phía nam để giảm tải áp lực giao thông từ trung tâm thành phố.
Ở hai tuyến metro cần tính toán thật kỹ xây dựng các điểm ga metro hấp dẫn, cần đi kèm các dịch vụ mua sắm căn bản giúp người dân vừa đi làm vừa đi chợ trước khi về nhà. Xây dựng các tuyến đường gom, phương tiện kết nối nhà ga với khu dân cư đông người, xây dựng các điểm gửi xe ở các nút ga metro. Đặc biệt khảo sát và đưa ra giá vé hợp lý để kích cầu người dân sử dụng loại phương tiện hiện đại này.
TS Nguyễn Minh Hòa (khoa Đô thị học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG-TP HCM). Ảnh: Hoàng Bình. |
Phải giải quyết ngay các điểm nóng kẹt xe bằng nhiều phương pháp kỹ thuật tùy vào đặc tính của từng nút giao thông như làm cầu vượt, mở rộng đường, mở thêm các tuyến đường song hành mới, làm thêm cầu vượt sông…
Và cách tốt nhất là tìm ra các tuyến đường kẹt xe để có phương án giải quyết. Ví dụ, khu vực cầu Bình Triệu thường xuyên xảy ra kẹt xe, tuy nhiên thực ra đó là kẹt cả tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ Ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu.
Vì thế muốn giải quyết bài toán này, cần mở rộng thêm tuyến đường Bình Quới, làm cầu từ khu du lịch Bình Quới 2 qua phường Linh Đông (Thủ Đức) nối với đường Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng. Khi ấy sẽ giảm áp lực lưu lượng phương tiện đi qua cầu Bình Triệu. Hay ngã ba Trường Chinh với Cộng Hòa, cần chuyển các cửa hàng cây cảnh, hòn non bộ khu này vào bên trong hoặc đi nơi khác.
- Ông dự báo tình hình phát triển giao thông đô thị ở TP HCM ra sao và giải pháp căn cơ là gì?
- Kinh tế đang dần khởi sắc, mức sống của người dân tăng lên cùng lúc nước ta gia nhập nhiều thị trường kinh tế lớn, nên vài năm tới dự kiến mật độ xe hơi cá nhân sẽ tăng lên chóng mặt.
Mật độ dân số TP HCM tập trung ở khu trung tâm. Đồ họa: Phượng. |
Đặc biệt TP cần giảm bớt mật độ dân số ở khu vực trung tâm bằng cách hạn chế phê duyệt các dự án xây dựng chung cư cao tầng, cụm dân cư ở ngay các quận 1, 3, 5, Bình Thạnh. Kéo giãn dân cư ra các quận ngoại thành bằng cách xây dựng nhiều trung tâm vui chơi giải trí, cơ sở giáo dục, bệnh viện uy tín, chất lượng, siêu thị, nhà hàng…
Khi có các dịch vụ căn bản, đặc biệt là các công viên, trung tâm mua sắm, giải trí, nhà hàng ở ngoại thành sẽ giảm áp lực về giao thông trong nội thành vào dịp cuối tuần do người dân có thói quen vào trung tâm chơi.