Giáo sư, phó giáo sư trên 300.000 đồng/tiết
Ông Vĩnh cho hay theo đề án mới thì mức hỗ trợ chi trả cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sẽ bằng 25% mức lương cơ sở, tương đương hơn 300.000 đồng/tiết và hơn 1 triệu đồng/buổi. Chi trả cho thạc sĩ, giảng viên bằng 20% mức lương cơ sở/tiết; chi trả cho cử nhân bằng 15% mức lương cơ sở/tiết.
Đối với giáo viên dạy học sinh giỏi có học sinh tham gia đạt giải Olympic quốc tế được hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại và các chi phí khác khi đi nước ngoài cùng học sinh.
Ông Vĩnh cho biết sẽ hỗ trợ chi trả cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ bằng 25% mức lương cơ sở, tương đương hơn 300.000 đồng/tiết và hơn 1 triệu đồng/buổi. Ảnh: LÊ PHI |
Học sinh đạt giải nhất quốc gia trước đây được thưởng 15 triệu đồng nay đề nghị bằng 15 lần mức lương cơ sở; giải nhì trước đây 10 triệu đồng thì nay bằng 10 lần mức lương cơ sở; giải ba là bằng ba lần mức lương cơ sở.
Đối với học sinh đạt giải quốc tế, trước đây thưởng 50 triệu đồng nay đề nghị bằng 50 lần mức lương cơ sở; giải nhì bằng 25 lần và giải ba là 20 lần mức lương cơ sở.
Quá ưu đãi giáo viên trường chuyên
Trong khi đó, góp ý về chế độ chính sách dành cho giáo viên, học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn, bà Cao Thị Huyền Trân (Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Đà Nẵng) cho rằng hiện tại có quá nhiều ưu ái đối với trường này.
“Nhìn lại ở thời điểm hiện nay nếu chúng ta duy trì cơ chế đặc biệt như vậy thì nó còn phù hợp hay không so với các quy định của trung ương” - bà Trân nói.
Bà Trân phân tích năm 2005 TP ban hành chính sách ưu đãi cho giáo viên Trường Lê Quý Đôn là vì ở thời điểm đó trung ương chưa có chính sách nào đối với trường chuyên. Tuy nhiên, đến năm 2007, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư liên tịch số 06 trong đó có quy định giáo viên trường chuyên được hưởng thêm 70% mức lương hiện hưởng.
Các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ được tăng đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: LÊ PHI |
“Như vậy giáo viên trường này hiện hưởng thêm tới 270% lương. Trong khi đó, so với các giáo viên trường khác thì giáo viên Trường chuyên Lê Quý Đôn được hưởng hệ thống cơ sở vật chất tốt hơn” - bà Trân lý giải.
Bà Trân nói thêm giáo viên Trường chuyên Lê Quý Đôn đang đứng tiết ít hơn, dạy ít học sinh hơn các trường khác... Bên cạnh đó, nhân viên tại Trường chuyên Lê Quý Đôn cũng được hưởng tăng thêm 1,5 lần lương so với nhân viên các trường khác.
“Ở các trường khác cũng có đội ngũ giáo viên giỏi và dạy các học sinh giỏi nhưng lại không được hưởng chính sách này. Như vậy là không công bằng so với các giáo viên khác” - bà Trân nói.
Trước việc này, bà Trân đề nghị nên chỉ cho giáo viên Trường chuyên Lê Quý Đôn được hưởng mức lương thêm theo quy định của trung ương là 70%. Còn chính sách hỗ trợ thêm mà lâu này TP ưu ái cho trường này thì nên nhân rộng hỗ trợ trực tiếp cho những giáo viên có thành tích, học sinh đạt giải trong các kỳ thi. TP cũng không nên duy trì việc bao cấp cho học sinh trường này mà chỉ hỗ trợ cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tăng mức học bổng hằng tháng để khuyến khích học sinh giỏi.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay mỗi năm TP bỏ ra thêm mười mấy tỉ đồng đầu tư vào trường nhưng đổi lại nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế của TP, đất nước thì cũng cần phải ghi nhận.
Theo ông Thơ, TP vẫn giữ nguyên các chính sách ưu đãi đối với trường này, tăng các khoản thưởng như đề xuất của Sở GD&ĐT, tuy nhiên vẫn phải tăng về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất đối với các trường khác.
“Mình lấy giáo dục số đông, nguồn nhân lực số đông làm mục tiêu chứ không phải đào tạo chỉ một số gà đá để lấy tiếng tăm. TP cần cả triệu người giỏi chứ chỉ một vài người thì cũng khó làm nên được điều gì” - ông Thơ nói.
Theo Lê Phi (Pháp Luật TPHCM)