Hình ảnh này ngay lập tức dẫn đến tranh luận mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Những hình ảnh ban đầu được đưa lên trên facebook của một chuyên gia giảng dạy về khởi nghiệp. Hình ảnh này cho thấy GS Thành đang ngồi chia sẻ trên hàng ghế diễn giả với hai khách mời khác. Trong đó, hai khách mời mặc áo quần bình thường nhưng ông Thành lại mặc áo thun, quần ngắn nói chuyện. Phía dưới là các sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả.
Trong một số hình ảnh khác đưa lên các trang facebook, ông Thành cũng mặc quần ngắn, áo thun để trao đổi với sinh viên cũng như trao giải thưởng về ý tưởng khởi nghiệp. Trước đó, ngày 22.4, ông lại mặc quần ngắn, áo vest để giảng bài trước đông đảo sinh viên.
Một sinh viên cũng cho biết sau buổi này, ông Thành có phát biểu khi tham dự hội thảo giới thiệu chương trình giáo dục thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Anh. Hội thảo có nhiều khách mời học vị cao và sinh viên nhiều trường đại học khác. Và ông cũng mặc đồ này lên phát biểu.
Những hình ảnh này ngay lập tức gây ra những phản ứng trái chiều. Comment trên facebook này, anh Minh Hạnh cho rằng: “Cho dù anh vĩ đại cỡ nào nhưng không tôn trọng người cùng ngồi với mình. Anh bắt đầu nổi tiếng đấy nhưng giá trị bản thân sẽ tỉ lệ nghịch với điều này”. Một người khác cho rằng ở Mỹ, chuyện này là bình thường, nhưng văn hóa Á Đông không cho phép làm như vậy.
Trao đổi về việc này, GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: “Hình ảnh đó là trong buổi học nói về việc làm sao phát triển tư duy sáng tạo. Ở đó, tôi nói rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình. Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, trong những gì chúng ta cho là được và không được… thì mới có khả năng sáng tạo. Nếu không sẽ luẩn quẩn trong những điều hiện có và không thể đột phá được.
Trong buổi học đó, tôi có cho một ví dụ: “Các em cầm quả trứng trên tay, làm gì được nếu không chỉ để ăn?”. Ví dụ thứ 2 là tôi bận bộ đồ vest như thế này, muốn sáng tạo thì tôi có thể làm gì với nó? Đó là lúc tôi chuyển sang mặc quần ngắn, mang vest. Đưa thí dụ như vậy để sinh viên cũng không ngờ thầy làm như vậy. Nghĩa là trước đó họ bị rào cản trong tư tưởng là cái đó không được làm. Chính vì ý tưởng như vậy giúp sinh viên thoát khỏi và phát huy khả năng sáng tạo của mình.
Con người sáng tạo không phải tự nhiên một ngày có ngay sáng tạo mang đến tác động mạnh mẽ cho xã hội mà sẽ có sáng tạo nho nhỏ mỗi ngày một ít. Ví dụ đi cắt tóc, thay vì cắt kiểu bình thường, chúng ta cắt một kiểu lạ hơn. Ăn cơm thường bằng tay phải, thử ăn tay trái đi… Chúng ta sẽ thấy có hiệu ứng khác, đầu óc sẽ sáng tạo hơn. Đó là cách để phát triển tư duy sáng tạo”.
Ông Thành cũng cho biết những người có nhận xét tiêu cực chỉ nhìn thấy tấm hình nhưng không biết điều gì xảy ra trước đó và câu chuyện dẫn đến tấm hình đó. Chỉ nhìn tấm hình nói thì chưa hoàn toàn chính xác và chưa nói lên thật sự hết ý nghĩa của nó. Họ quá vội vàng đánh giá một sự việc mà không biết được sự việc đó trong bối cảnh nào và diễn biến ra sao.
Khi được hỏi ông có nghĩ rằng việc làm này có phù hợp với văn hóa Việt Nam hay không, GS Thành cho rằng: “Thật sự Mỹ hay Việt Nam không khác gì ở việc sáng tạo. Chỉ khác về cách nhìn. Tôi không bận đồ như vậy đi ra ngoài được vì xã hội không cho phép. Nhưng trong lớp học, vào thời điểm đó, tôi dùng để minh chứng việc không giới hạn trong tư tưởng của mình. Mỗi xã hội đánh giá một khác. Ví dụ ở các nước Đông Âu như Na Uy, Thụy Sĩ, vào mùa hè họ khỏa thân tắm biển là chuyện bình thường. Nhưng việc làm này ở biển Việt Nam thì không bình thường. Người Việt Nam cũng không ai làm vậy”.
Theo Đăng Nguyên (Thanh Niên Online)