Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền nhiều hình ảnh và video clip ghi lại cảnh một người đàn ông trong bộ trang phục của vua chúa nước ngoài đang say sưa ca hát trên sân khấu và khán giả bên dưới là các cháu thiếu nhi trong trang phục của đồng bào dân tộc.
Được biết, tiết mục này diễn ra trong chương trình Đêm hội trăng rằm tổ chức tại trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) nhân dịp Tết Trung thu vừa qua.
Danh tính của người đàn ông nhanh chóng được xác định là Phú Lê – một nhân vật vốn nổi danh trên mạng xã hội từ lâu với danh xưng “ca sĩ”, “giang hồ mạng”…gây nhiều tranh cãi. Ngoài Phú Lê, tại chương trình cũng có sự góp mặt của nhiều “giang hồ mạng” khác, với các tiết mục ca nhạc, phát quà trung thu cho các em nhỏ.
Sẽ không có gì đáng nói nếu Phú Lê mặc trang phục của dân tộc Việt Nam trò chuyện và phát quà cho các em nhỏ thiếu nhi vùng cao, tuy nhiên việc Phú Lê mặc trang phục giống vua chúa khiến dư luận vô cùng bức xúc, cho rằng hành động này quá phản cảm, kệch cỡm, thậm chí là hết sức lố lăng.
Hành động của Phú Lê cũng được đặt nghi vấn liệu có nhận được lời mời từ trường học về biểu diễn hay xâm phạm không gian trường học, giáo dục.
Ngày 3/10, UBND huyện Trạm Tấu và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có những thông tin liên quan việc việc “giang hồ mạng Phú Lê" ăn mặc như vua chúa nhảy múa, hát hò trong chương trình Đêm hội trăng rằm tổ chức tại Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu), dịp Tết Trung thu vừa qua.
Ông Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng đơn vị nhà trường báo cáo giải trình về tất cả các việc liên quan khi tổ chức một chương trình Trung thu như vậy.
Chia sẻ với báo Ngày nay, đại diện Phòng giáo dục huyện Trạm Tấu thông tin, liên quan đến sự việc người tự xưng là “ca sĩ” Phú Lê mặc trang phục phản cảm biểu diễn ca nhạc trong chương trình Đêm hội trăng rằm tổ chức tại Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì) vừa qua, Phòng giáo dục huyện đã yêu cầu phía nhà trường có báo cáo nội dung sự việc.
Vị này khẳng định, việc Phú Lê cùng một số người khác có mặt tại chương trình vui Tết trung thu của các em thiếu nhi là do họ tự tìm hiểu và liên hệ với phía nhà trường thông qua một công ty du lịch tại địa phương, với mục đích ban đầu là tới thăm và trao tặng quà trung thu cho các em nhỏ vùng cao.
Chương trình trung thu cho các em nhỏ do huyện và xã tổ chức đã được diễn ra từ trước, trong kế hoạch hoàn toàn không có việc ông Phú Lê mặc trang phục phản cảm biểu diễn và trao quà. Tiết mục ca nhạc có trang phục phản cảm này cũng do ông Phú Lê tự ý biểu diễn, không nằm nội dung đã đăng ký với nhà trường trước đó, vị này thông tin thêm.
Thông tin từ bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu, về công tác xử lý cá nhân ăn mặc phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục, trước mắt phòng đã báo cáo nội dung với các cấp quản lý và rút kinh nghiệm trong đơn vị.
“Trong báo cáo giải trình của thầy giáo, do nhận thức chưa nắm rõ hết về các thành phần của đoàn, dẫn tới quá trình tổ chức không kiểm soát được hết các nội dung nên dẫn tới việc này”, bà Hà nói.
Phú Lê, tên thật là Lê Văn Phú (SN 1980, quê Yên Bái). Phú Lê từ lâu vốn được biết đến như một hiện tượng nổi lên nhờ mạng xã hội, khi từng tham gia đóng một số video âm nhạc hay phim ngắn về đề tài giang hồ với nhiều cảnh quay bạo lực, phản cảm. Người này thường xuyên đăng tải những hình ảnh và video clip đeo đầy trang sức vàng trên người thể hiện sự giàu có, liên tục rao giảng về “tình nghĩa anh em”, "nghĩa khí giang hồ" trên mạng xã hội.
Phú Lê cùng vợ là Thuý Kiều nhiều lần bị báo chí truyền thông phản ánh và cơ quan chức năng "sờ gáy" vì có những dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh lẫn phát ngôn trên mạng xã hội.
Hiền Lê (SHTT)