Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình vừa ban hành kết luận cuộc họp về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối tỉnh Hòa Bình xác định bài thi của các thí sinh được can thiệp, sửa chữa, nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã vi phạm Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Các thí sinh sử dụng điểm thi được nâng trái pháp luật để xét tuyển vào học các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy cũng đã vi phạm các quy định của pháp luật.
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối khẳng định 15 đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh có con được nâng điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình và dùng điểm được nâng trái pháp luật để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy là vi phạm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Trước đó, UBKT tỉnh ủy Hòa Bình từng thông tin về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban thường vụ tỉnh ủy quản lý liên quan tới vụ gian lận thi cử năm 2018.
Các ông gồm: Bùi Văn Thắng - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Trần Văn Tiệp - tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ; Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và Phạm Hồng Hải - Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình.
Trong vụ việc này, ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình bị kỷ luật cảnh cáo, ông Bùi Trong Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình bị kỷ luật cách chức.
Tại tỉnh Sơn La, chỉ còn 1 tuần nữa (tức là sáng 16/9), TAND tỉnh Sơn La sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018.
Cụ thể, 8 bị cáo bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là: Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT), Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí),
Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng Phòng chính trị Sở GD&ĐT), Đặng Văn Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu); Đinh Hải Sơn (cựu Thiếu tá Công an tỉnh Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí) và Đỗ Khắc Hưng (cựu Trung tá Công an tỉnh Sơn La).
Trong đó, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điểm b khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Trần Xuân Yến được phân công nhiệm vụ là phó chủ tịch hội đồng thi, phó Trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Với vai trò là tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, Yến có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong tổ xử lý bài thì trắc nghiệm theo quy chế, chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm của tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Trước khi chấm thi, thông qua mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân, Yến nhận thông tin của 15 thí sinh để giúp nâng điểm thi.
Ngày 28/6/2018, Trần Xuân Yến nhận của ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La 2 tờ danh sách ghi thông tin của 8 thí sinh.
Cũng trong ngày hôm đó, Yến nhận của ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Sơn La) danh sách ghi thông tin của 4 thí sinh và nhận của ông Phan Ngọc Sơn – Chánh thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thông tin 1 thí sinh.
Đến ngày 29/6/2018, Yến nhận tiếp của ông Nguyễn Văn Hải (trú tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thông tin 1 thí sinh và của ông Nguyễn Ngọc Mạnh (trú tại thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) thông tin 1 thí sinh.
Sau khi nhận thông tin của các thí sinh, Trần Xuân Yến tổng hợp chung thành danh sách ghi rõ họ tên, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, mã đề thi và tổng số điểm cần đạt được của từng thí sinh. Sau đó, Yến đưa danh sách cho bị can Nguyễn Thị Hồng Nga – thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm để Nga thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La buộc tội Yến vì có hành vi tiếp tay cho các bị can Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Nguyễn Thị Hồng Nga rút bài thi sửa nâng điểm. Bị can Yến tạo điều kiện từ việc không chỉ đạo niêm phong lại ngay các bài thi sau khi quét để các bị can dễ dàng thực hiện việc rút, sửa bài nâng điểm và quét lại bài thi.
Ngoài ra, Trần Xuân Yến còn chỉ đạo bị can Nga che giấu hành vi phạm tội bằng cách xóa dữ liệu trên máy tính đoàn khi thanh tra, kiểm tra.
Theo Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Còn tại Hà Giang, đã hơn một năm trôi qua nhưng đến nay, dư luận vẫn vô cùng khó hiểu khi địa phương này không có động thái quyết liệt xử lý hàng trăm phụ huynh có thí sinh được can thiệp điểm thi.
Trong khi đó, ngày 12/8/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã có báo cáo đề xuất số 52 gửi Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo cấp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý 210 bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm theo quy định hiện hành.
Thực tế này trái ngược với việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – Nguyễn Văn Sơn từng mạnh mẽ phát ngôn: "Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018 với tinh thần không có vùng cấm".
Đến nay chỉ có duy nhất hai cái tên được nhắc đến có con được can thiệp điểm thi là ông Phạm Văn Khuông - Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và ông Triệu Tài Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ngoài ra, những phụ huynh khác chỉ được thông tin chung chung như hiện đều đang sinh sống, làm việc trong các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Giang hoặc làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và một số địa phương khác, trong đó có nhiều vị đang đảm nhiệm vị trí quan trọng tại các cơ quan, tổ chức.
Cuối tháng 8/2019 vừa qua, VKSND tỉnh Hà Giang đã ra cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hà Giang. Tòa án cùng cấp cho biết thêm, sẽ thông báo công khai lịch xét xử vụ án sau khi nhận được hồ sơ.
Theo Nhóm PV (Giadinh.net.vn)