Xã hội ta thỉnh thoảng lại rộ lên vài chuyện. Chuyện phong GS và PGS với ông này, ông kia gian lận mà vẫn được phong. Rồi cũng lại chuyện phong, nhưng mà là NSND và NSƯT với biết bao quy trình và thủ tục với kết quả khá bất ngờ.
Giờ đây là chuyện gian lận trong thi cử của Hà Giang, Sơn La, rồi cả Hòa Bình.
Cái chung của tất cả những câu chuyện kiểu Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình luôn luôn có một bên là công lý, công bằng và công quyền. 3 cái công này đại diện cho cái đúng, cái thiện, cái tốt đẹp của xã hội - là cái mà phần đông con người ta hướng tới và đặt nhiều kỳ vọng.
Muốn vào ĐH thì điểm thi tốt nghiệp THPT phải thế này, thế kia theo quy định của pháp luật. Suy cho cùng, các quy định của Bộ GD-ĐT về thi THPT đều nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng cho mọi người dự thi. Hầu như cả xã hội trông đợi thi cử nghiêm túc, ai điểm cao thì đỗ ĐH, ai điểm kém đành trượt vậy. Đấy là công lý và công bằng.
Và kỳ thi luôn có sự quản lý, giám sát của bộ máy công quyền. 3 cái công, công lý, công bằng và công quyền hiện diện ở rất nhiều việc, ví dụ như thi THPT, thi công chức, phong GS, duyệt dự án, bổ nhiệm lãnh đạo…Cái bên kia, cái đối chọi lại 3 cái công này là quyền lực, là tiền bạc và là quan hệ.
Chính 3 thứ quyền, tiền và quan hệ này gây ra mọi chuyện, làm suy thoái nhiều thứ - mà trước hết là suy thoái con người, dẫn đến làm suy thoái, chà đạp lên pháp luật, công bằng và bộ máy công quyền.
Chưa có bao giờ lợi ích và đồng tiền lại chi phối, hủy hoại các giá trị đạo đức, pháp luật như bây giờ. Chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy án, chạy công chức, chạy GS, chạy khen thưởng… không còn là chuyện hiếm trong xã hội.
Khắc phục, chống lại những chuyện như vậy trong bối cảnh hiện nay quả là khó. Rất nhiều kiến nghị, đề xuất được nêu ra. Rồi cũng có một số vụ việc được xem xét… Nhưng dường như vẫn chưa đủ, chưa trúng.
Giả sử sau này Bộ GD-ĐT ra được một bộ quy định hoàn hảo nhất về thi THPT, cá nhân tôi nghĩ vẫn có thể có gian lận xảy ra, bởi gian lận do con người cụ thể thực hiện mà con người thì bị ràng buộc, chi phối bởi rất nhiều thứ, mà trước hết là lợi ích và tiền bạc.
Cho nên, mọi thứ lại quay lại vấn đề con người trong bộ máy, kể từ Giám đốc Sở GD-ĐT cho đến vị công chức thực thi trong guồng máy chấm thi của tỉnh.
Khi những con người cụ thể vận hành bộ máy bị những người có quyền, có tiền chi phối, gây áp lực thì tiêu cực, gian lận, tham nhũng xảy ra. Diệt triệt những thứ này là điều không dễ dàng.
Câu chuyện cựu Tổng thống Hàn Quốc và cựu Thủ tướng Malaysia vừa mới đây cho thấy rõ điều đó. Cái hy vọng và trông đợi là những gian lận, tiêu cực, tham nhũng bị phản công quyết liệt và giảm đi đáng kể theo thời gian.
Chống những hiện tượng tiêu cực kiểu Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đòi hỏi làm quyết liệt thật sự. Ai làm sai cho dù ở cương vị gì cũng đều bị xử lý.
Có như vậy, công lý, công bằng và công quyền mới được bảo đảm, mới được thực thi và xã hội mới sáng lên được.
Theo Đinh Duy Hòa (VietNamNet)