Phát đề tránh trùng mã đề; thu xếp để bố trí học sinh thi môn này nhưng không thi môn kia; “canh” để giờ làm bài môn A học sinh không làm bài môn B... - có thể nói kỳ thi năm nay, người gánh áp lực lớn nhất không phải là thí sinh, phụ huynh mà là giám thị.
Ngay từ trước khi kỳ thi năm nay, áp lực đối với giám thị trông thi, nhất là ở bài thi tổ hợp đã được đề cập. Vậy nhưng, khi trải qua thực tế trông thi ở bài tổ hợp với những yêu cầu rất khắt khe, chồng chéo nên giám thị trông thi phải làm việc cao độ với tâm trạng căng thẳng.
Cô Lê Vy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) kể, dù đã “hạ cánh” an toàn nhưng nghĩ lại những ngày trông thi vừa qua cô vẫn chưa hết hồi hộp. Về Vĩnh Long trông thi, cô thấy rõ sự thoái mái, tâm lý nhẹ nhàng của thí sinh, khác với tâm trạng của giám thị.
Cô Vy phân tích, căng thẳng nhất là phần thi tổ hợp. Hai môn đầu của mỗi phần phải thu đề và giấy nháp của thí sinh tránh tình trạng các em giữ lại đề làm tiếp. Khi thu đề, giám thị phải cẩn thận đếm số đề phát ra cũng như số trang, kể cả giấy nháp. Chỉ cần bỏ sót một em là có nguy cơ lộ đề. Lúc phát đề cũng rất căng vì chỉ cần sai quy trình là sai mã đề của 3 môn.
Phiếu trả lời Trắc nghiệm chỉ có một tờ dành cho 3 môn nên phải hướng dẫn các em rất kỹ, chỉ cần các em ghi sai là toàn bộ kết quả sai cả 3 môn. Giám thị phải dò từng mã đề của các em xem có tô có đúng không.
Theo cô Vy, các sai phạm chủ yếu do không thống nhất giữa hai cán bộ coi thi. Trước mỗi giờ thi, các giám thị phải quán triệt với người cùng coi với mình để có sự thống nhất, tránh sai sót.
ThS Nguyễn Ngọc, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) chia sẻ, áp lực có thể bị kỷ luật đối với giám thị rất lớn. Nhất là năm nay kỳ thi có nhiều thay đổi, chỉ cần sai sót nhỏ là đã sai quy chế thi, có thể để lại hậu quả. Không chỉ ảnh hưởng cá nhân mà ảnh hưởng đến đơn vị mình công tác.
Giám thị không đơn thuần là người trông thi, nắm bắt an toàn, an ninh phòng thi mà phải để ý, tỉ mỉ trong mọi công đoạn của cả quá trình thi.
Riêng chuyện phát đề thi ở môn thi tổ hợp đã đủ làm giám thị phải cân não, ở hội đồng thi thí sinh tự do (trong tổ hợp nhiều môn, các em có thể chỉ thi một môn) thì việc phát đề, thu đề, giấy nháp càng nhiều áp lực. Lo phát nhầm đề, cắt nhầm túi đề..., phát giấy nháp cũng phải chú ý tránh các thí sinh ngồi gần nhau cùng màu.
Một nam giám thị là giáo viên THPT tại điểm thi ở Gò Vấp, TPHCM hài hước nói, mọi người thường chỉ nghĩ thí sinh đi thi run nhưng năm nay, thí sinh thi tại chỗ, ít di chuyển nên các em tự tin, tươi tỉnh lắm. Người run và hồi hộp nhất trong phòng thi chính là những người xem thi dù bề ngoài họ phải tỏ ra vừa tươi tỉnh vừa đạo mạo, nghiêm khắc.
Áp lực “dồn” lên vai người trông thi
Trong kỳ thi THPT vừa qua, có 2 giám thị ở TPHCM bị kiểm điểm, viết tường trình vì... chủ quan. Trong môn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, ở phòng thi của thí sinh tự do các em chỉ thi môn Lý, 2 cán bộ xem thi hiểu nhầm là môn thi cuối nên thí sinh ung dung mang đề ra khi làm xong bài thi.
Đánh giá tổng quan về kỳ thi, ông Vương Quang Tiến, phó hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức, TPHCM đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm nay đổi mới rất nhiều thuận lợi cho thí sinh, các em đi thi rất nhẹ nhàng, tâm lý như hàng ngày đến trường. Các em thi tại địa phương, các môn thi đã được thiết kế ngắn gọn hơn, phần thi tổ hợp tuy lần đầu tổ chức nhưng không nhiều khó khăn...
Đổi mới thi THPT quốc gia năm nay đã giảm nhiều áp lực cho thí sinh, phụ huynh nhưng căng thẳng lại "dồn" lên vai giám thị |
Đối với hội đồng thi và cán bộ coi thi thì đúng là rất nhiều áp lực. Trước đó, giáo viên đã được tập huấn nhiều lần, tập huấn rất kỹ nhưng khi vào thực tế cũng ít nhiều lúng túng. Việc phát đề ở phần thi tổ hợp phải hết sức cẩn trọng, phải quan sát kỹ lưỡng và giữa các môn thi chỉ có 10 phút để xử lý rất nhiều việc.
Ngay trong đợt thi, cô Trương Thị Bích Thủy, Trưởng điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn, TPHCM - điểm thi có 2 giám thị bị kiểm vì để học sinh mang đề thi ra kể trên - chia sẻ, ở môn tổ hợp các em học sinh được hướng dẫn kỹ không gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ coi thi thì rất lúng túng túng, nhất là những phòng thi thí sinh tự do, có những môn các em thi, có môn không thi, phải ngồi chờ môn thi tiếp theo.
Áp lực đối với thí sinh, phụ huynh có thể thấy rõ, còn với giám thị, và nhất là các ban lãnh đạo các điểm thi bà Thủy bày tỏ "phải nói rằng cực kỳ vất vả".
Trông thi xong là... đuối sức Nhiều giám thị chia sẻ, sau mỗi ngày thi là họ mệt mỏi, bải hoải thân thể. Kết thúc kỳ thi là nhiều người đuối sức, phải nghỉ ngơi vài ngày liền mới lại sức. Hình ảnh phía sau những cán bộ xem thi, ThS Nguyễn Ngọc kể làm cán bộ coi thi, áp lực nhất là vấn đề thời gian, rất sợ đi trễ. Có mặt ở điểm đi từ 6h15 sáng nên gần như chẳng kịp ăn sáng. Có khi sợ trễ, chạy xe té xe, đau chân đau tay mà vẫn cố ngồi dậy để chạy tiếp đến điểm thi làm nhiệm vụ. “Xem thi buổi sáng xong, nhiều giám thị không dám về nhà nghỉ vì chạy đi chạy lại, sợ chậm giờ. Giữa các buổi thi, tại nhiều điểm, giám thị cũng chỉ loanh quanh đi ăn cơm bụi rồi nghỉ, chợp mắt ở ghế đá hay bất kỳ góc nào đó trong trường thi. Nhìn nhiều giáo viên lớn tuổi ngủ gật gù tạm ở ghế đá rất thương. Chiều về đến nhà là gục luôn”, cô Ngọc bộc bạch. Cô Ngọc cũng tâm sự thêm, cảnh được đưa vào một căn phòng nhỏ, không được nói, hạn chế đi lại trong vài tiếng đồng hồ rất khó diễn tả. Đi uống nước hay đi vệ sinh cũng phải hạn chế tối đa để tránh gây ồn ào, ảnh hưởng đến thí sinh làm bài. Cảm giác hạnh phúc vô cùng khi có thí sinh xin thêm giấy. Nhưng năm nay thì chỉ có môn Văn là được đi phát giấy còn các môn khác đều thi trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm các em ít phải viết hơn nhưng giáo viên trông thi... buồn lắm. |
Theo Hoài Nam (Dân Trí)