Ngày 14/4, ông Hoàng Đức Ý (36 tuổi, giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở TP Đông Hà, Quảng Trị) cho biết đã nhận lại tài sản là 5 trong 6 chiếc xe ôtô bị tổ công tác công an Hà Tĩnh thu giữ.
Hai hôm trước, công an Quảng Trị tiếp nhận đơn trình báo của ông Hoàng Đức Ý về việc ông bị nhóm người áp giải làm việc trong một ngày đêm, đồng thời giữ sáu xe ôtô, ba điện thoại trái pháp luật.
Theo trình báo, sáng 9/4, ông Ý bị sáu người mời về trụ sở công an Quảng Trị làm việc cho đến 23h. Sau đó, ông được đưa về nhà nghỉ của công an Quảng Trị dưới sự giám sát của hai người lạ mặt. Quá trình làm việc, ông không được gọi điện thoại cho người thân, thậm chí bị yêu cầu viết đơn tự nguyện ở lại để giúp đỡ quá trình điều tra. Sau hơn một ngày đêm, vị giám đốc này được thả.
Cũng trong ngày 9 và 10/4, ông Ý bị yêu cầu viết đơn tự nguyện giao nộp tài sản là sáu xe ôtô hiệu Volkswagen Polo, biển kiểm soát TP HCM. Sáu chiếc này đang được nhiều người thuê sử dụng, trong đó có một chiếc ở Huế, một chiếc ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị).
Ông Ý nói trong 25 tiếng ở trụ sở công an, ông bị hăm doạ, ức chế, xâm phạm quyền riêng tư khi tin nhắn, hình ảnh trong điện thoại bị kiểm tra. Trong ngày đầu, người thân không có thông tin nên lo lắng, cho rằng ông bị bắt cóc.
Đến sáng 12/4, ông Ý bất ngờ phát hiện một chiếc ôtô của mình đang chạy trên đường, cách vị trí bị tạm giữ khoảng 3 km. Người điều khiển xe là cán bộ công an Hà Tĩnh.
Một lãnh đạo công an Quảng Trị xác nhận, tổ công tác của công an Hà Tĩnh đã mượn trụ sở của công an Quảng Trị để điều tra một vụ án.
Giám đốc công an Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho hay đơn vị này đang lập chuyên án điều tra một đường dây buôn lậu ôtô từ nước ngoài về Việt Nam. Ông Hải thừa nhận cấp dưới có "mời ông Ý về làm việc, chứ không phải bắt giữ".
"Trong 6 chiếc ôtô, 5 chiếc có giấy tờ hợp pháp nên đã được trả về cho doanh nghiệp vào tối 13/4. Chiếc còn lại còn nghi vấn nên buộc phải đưa về Hà Tĩnh điều tra", ông Hải nói.
Theo luật sư Trần Đức Anh (Văn phòng luật sư Trần và cộng sự, người đại diện cho ông Ý), việc giữ người phục vụ điều tra phải được thông báo đến gia đình, phải có phê chuẩn của viện kiểm sát cùng cấp. "Không thể yêu cầu đương sự viết giấy tự nguyện ở lại, rồi bắt giữ người theo yêu cầu của đương sự", luật sư Anh nói.
Tương tự, việc thu giữ tài sản phải có biên bản xử lý vi phạm của tài sản, pháp luật không quy định người dân tự đến nộp tài sản. "Ông Ý bị giam giữ không đúng pháp luật dẫn đến sợ hãi và hoang mang nên viết những giấy tự nguyện trên", luật sư Anh nói và cho rằng hai biên bản tự nguyện ở lại và tự nguyện giao nộp xe ôtô đều không đúng pháp luật. Việc sử dụng tài sản bị tạm giữ "cũng hoàn toàn trá pháp luật, phải có quyết định trưng cầu, vì liên quan quyền tài sản".
Theo Hoàng Táo (VnExpress.net)