Ngày 12/8, báo cáo công tác phòng, chống Covid-19 tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng có hơn 1.400 ca Covid-19, với biến thể Delta. Biến thể này lây lan rất nhanh và khó lường, đặc biệt đã có trường hợp người bệnh trẻ tuổi chuyển biến từ nhẹ sang nặng nhanh và tử vong.
Theo bà Yến, nhờ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt là việc giãn cách xã hội, xét nghiệm thần tốc nên thời gian qua thành phố đã kiểm soát tốt nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp như: Công ty điện tử Việt Hoa, Công ty nhựa Duy Tân, khu tam giác Lê Duẩn - Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám, khu Nguyễn Phước Nguyên,…
Trong đó, mặc dù vẫn đang được nhận định có nguy cơ rất cao nhưng chuỗi lây nhiễm lớn tại Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) hiện đã có dấu hiệu giảm dần số ca mắc Covid-19 mới và thành phố đã gần khống chế được chùm bệnh này.
Tuy nhiên, trong sáng 12/8, Đà Nẵng phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới rất phức tạp tại chợ đầu mối Hòa Cường. Đây là địa điểm cung cấp thực phẩm chính cho thành phố, có lượng người hoạt động đông nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Vì vậy, để kiểm soát dịch trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh để phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời phải tập trung xét nghiệm thần tốc và có trọng tâm, để nhanh chóng tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, điều trị tốt cho các ca bệnh Covid-19 và hạn chế tối đa tử vong.
Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, hiện Đà Nẵng đã thiết lập được 300 giường hồi sức cùng máy móc hiện đại, có một hệ thống khí nén oxy đầy đủ cho quy mô 300 giường này. Tuy nhiên, đây đã là cố gắng hết sức, gần như tối đa của ngành y tế thành phố.
"Với tỷ lệ 5% bệnh nặng trên tổng số ca Covid-19, nếu Đà Nẵng có hơn 6.000 ca thì hết công suất 300 giường hồi sức. Nếu số ca dương tính tăng hơn nữa thì hệ thống y tế chắc chắn quá tải. Chính vì vậy, việc kiểm soát làm sao cho số ca bệnh giảm cần những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị thành phố", bà Yến chia sẻ.
Được biết, thời gian qua ngành y tế Đà Nẵng đã chuẩn bị nhiều nguồn lực như huy động hệ thống bệnh viên tư, sinh viên cũng như lực lượng y, bác sĩ nghỉ hưu cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thành phố cũng đã lên kế hoạch tiêm vắc xin với quyết tâm thực hiện nhanh nhất, an toàn nhất cho người dân.
Bác sĩ Yến cho biết, hiện Đà Nẵng đang nhận 3 loại vắc xin và lãnh đạo thành phố đã thống nhất quan điểm rằng vaccine Pfizer chỉ dành ưu tiên tiêm cho người cao tuổi và bệnh mãn tính. Vaccine Moderna thì một phần tiêm cho đối tượng ưu tiên, một phần tiêm cho người cao tuổi có bệnh nền vì ít có phản ứng sau tiêm. Riêng vaccine Astra Zeneca, sẽ tiêm cho toàn bộ đối tượng còn lại.
"Nếu việc tiêm vaccine chỉ diễn ra trong giờ hành chính thì thành phố tiêm được 20.000 người/ngày. Nhưng có thể tối ưu hóa điểm tiêm, 3 ca/ngày thì có thể tiêm cho 35.000 đến 40.000 người/ngày", Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng thông tin.
Theo Hà Nam (Pháp Luật & Bạn Đọc)