Giám đốc Sở GTVT trực tiếp đối thoại, chủ trăm xe khách muốn gặp lãnh đạo TP.Hà Nội

28/02/2017 14:50:00

Trưa 28/2, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã trực tiếp xuống đối thoại với gần trăm nhà xe tuyến Nam Định, Thái Bình phản đối việc điều chuyển.

Trưa 28/2, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã trực tiếp xuống đối thoại với gần trăm nhà xe tuyến Nam Định, Thái Bình phản đối việc điều chuyển.
 
Giám đốc Sở GTVT trực tiếp đối thoại, chủ trăm xe khách muốn gặp lãnh đạo TP.Hà Nội
 
Trưa 28/2, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã trực tiếp xuống khu vực trạm thu phí Pháp Vân, nơi gần trăm xe khách chạy tuyến Hà Nội - Nam Định, Thái Bình đang đỗ, phản đối việc điều chuyển.

Ông Vũ Văn Viện cho biết, nhận được sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ông xuống đây để đối thoại với các nhà xe.

Ngay sau khi ông Viện nói, một đại diện doanh nghiệp trình bày: "Các nhà xe đã phục vụ hành khách ở Mỹ Đình hàng chục năm nay. 

Tuy nhiên, mới đây UBND Hà Nội đã chuyển các nhà xe xuống bến Nước Ngầm. Chúng tôi chấp hành. Sau 2 tháng đi vào hoạt động, không có một bóng khách. Xe nhiều nhất chỉ 7 khách. Khẳng định với Giám đốc Sở rằng, chúng tôi luôn chấp hành quy định của các cơ quan chức năng trong việc vận chuyển hành khách.

Riêng nhà xe của tôi mỗi tháng lỗ 18-20 triệu/xe, trong khi đó chúng tôi có 16 xe. Các nhà xe khác thì lỗ 30-40 triệu đồng/xe/tháng".

Giám đốc Sở GTVT trực tiếp đối thoại, chủ trăm xe khách muốn gặp lãnh đạo TP.Hà Nội - Ảnh 1.
Các nhà xe phản đối việc điều chuyển tuyến.

Cũng theo vị này, các nhà xe cảm thấy bất bình vì sau khi điều chuyển, không có khách đi xe. 

"Mỹ Đình vắng khách, Giáp Bát lượng khách cũng không tăng. Hỏi ra chúng tôi mới biết lượng xe dù quá lớn, số lượng xe dù 9 chỗ, 16 chỗ rất nhiều chạy từ các tỉnh đi Hà Nội. Đặc biệt, xe dù còn lập văn phòng ở ngay trung tâm TP. Thái Bình để bắt khách.

Các anh hãy chứng minh sau khi điều chuyển tuyến, tình trạng tắc đường ở Hà Nội được cải thiện. Tắc đường ở Pháp Vân – Cầu Giẽ ngày càng tăng và nghiêm trọng", vị này nêu.

Một doanh nghiệp khác (hoạt động tuyến Thái Bình – Hà Nội và tuyến Nghệ An – Hà Nội) đặt câu hỏi: "Đề nghị Sở GTVT Hà Nội trả lời rõ điều chuyển xe khách là do tắc đường hay lợi ích cá nhân? Tắc đường có phải do xe khách hay không? Đề nghị xem xét lại vấn đề điều chuyển".

Đáp lại các ý kiến này, ông Viện cho rằng, đường Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến cao tốc có lưu lượng giao thông rất lớn. Các doanh nghiệp đỗ xe ở đây gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. 

"Tôi tin rằng việc làm này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của các doanh nghiệp. Điều này chúng tôi sẽ thông báo thêm rằng, các doanh nghiệp, Hiệp hội có đơn thư gửi đến Hà Nội và Sở GTVT, chúng tôi cũng đã có văn bản trả lời.

Các doanh nghiệp có đơn, Thủ tướng cũng đã văn bản chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Hà Nội làm việc, đối thoại với các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng trước 10/3.

Vì thế, tôi đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và các quy định pháp luật. Việc làm hôm nay của các doanh nghiệp là không thực hiện đúng quy định. Chúng ta có quyền khiếu nại, kiến nghị nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.

Sáng nay, tôi đã báo cáo với Chủ tịch Hà Nội, Bộ GTVT về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường sẽ làm việc với các nhà xe vào chiều mai. Đáng lẽ ra các doanh nghiệp phải chờ các cơ quan chức năng tổ chức buổi làm việc để đưa ra ý kiến.

Tôi không đồng tình với cách làm của doanh nghiệp. Chúng tôi phải dừng các phương tiện ở đây để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho Hà Nội", ông Viện nêu rõ.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng tái khẳng định,chủ trương của Hà Nội phân luồng tuyến để đảm bảo lợi ích cung Hà Nội, giảm ùn tắc giao thông.

"Chúng tôi ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp ở giai đoạn đầu điều chuyển đường tuyến. Nhiều khách hàng vẫn chưa quen và chúng tôi đang cố gắng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để có phương án tốt nhất", ông Viện nói thêm.

Sau khi trả lời thêm một vài ý kiến của các nhà xe, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra về, Trong khi đó, các nhà xe cho biết, vẫn sẽ tiếp tục "chốt, nghỉ, đỗ xe" tại trạm thu phí cho đến khi được chuyển lại về bến Mỹ Đình.

"Chúng tôi phải vay vốn để mua xe nhưng từ hai tháng trở lại đây, điều chuyển về bến Nước Ngầm không có khách, nhiều hôm cả chiều lên, về được chừng chục khách, trong khi chi phí bỏ ra không dưới 2 triệu đồng, chưa kể tiền trả vốn vay.

Cứ thế này thì chúng tôi chỉ có đường phá sản, trả lại xe. Chúng tôi mong được đối thoại với lãnh đạo thành phố để có hướng xử lý tốt nhất", đại diện nhà xe Hưng Long (Thái Bình) bày tỏ.

Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật