Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, việc dừng hoạt động của xe máy và thu phí hạn chế ô tô vào khu vực nội đô là cần thiết, lộ trình này đã được thành phố chuẩn bị nhiều năm qua.
Sau một năm lấy ý kiến các tổ chức, hiệp hội và các đơn vị liên quan, thành phố Hà Nội đang từng bước hoàn thiện phương án hạn chế xe cá nhân để trình HĐND thành phố họp vào đầu tháng 7/2017. Theo dự thảo phương án này, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện phương án cấm xe máy thành 3 giai đoạn và sẽ bắt đầu từ cuối năm 2017.
Trước khi trình HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố về tăng cường quản lý phương tiện giao thông, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo nội dung nghị quyết này, thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành theo 3 giai đoạn và phân loại theo khu vực (quận, huyện); phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Cùng với đó, sẽ cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ.
Ba giai đoạn sẽ được thực hiện cụ thể: Giai đoạn 2017-2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông, vận tải. Riêng với phương tiện xe máy cũ không đủ tiêu chuẩn, ban hành cơ chế hỗ trợ để thực hiện thu hồi từ năm 2017.
Giai đoạn đến năm 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện và phát triển vận tải hành khách công cộng.
Giai đoạn đến năm 2030 triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch, bố trí hợp lý giao thông tĩnh. Với xe máy, từ năm 2025 sẽ thí điểm dừng hoạt động theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm thành phố.
Trao đổi về phương án trên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, bất kỳ đô thị nào trên thế giới cũng đều có những chính sách để quản lý phương tiện giao thông cho phù hợp với điều kiện hạ tầng của mình. Tốc độ tăng phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội rất lớn, trên 10%/năm với ô tô, trong khi đó phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3- 4%/năm, trong khi đó quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Tốc độ phát triển không tương xứng, ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng báo động, diễn biến phức tạp. Việc dừng hoạt động của xe máy và thu phí hạn chế ô tô vào khu vực nội đô là cần thiết, lộ trình này đã được thành phố chuẩn bị nhiều năm qua
Theo Anh Trọng (Tiền Phong)